“Dữ liệu chưa trưởng thành, làm sao nói tới AI được”

Đó là chia sẻ của Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) khi nói về việc cần thiết phải hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân trong kỷ nguyên số.

Chiều 25-10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội thảo chiến lược dữ liệu quốc gia và góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu.

Đại tá Vũ Văn Tấn nhấn mạnh, muốn chuyển đổi số được, trước tiên phải tạo lập được được nguồn dữ liệu, nguồn dữ liệu này sẽ được sử dụng để mang lại những giá trị cho người dân. Trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác định điện tử, trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc, nằm trong tổng thể mô hình tam giác để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác là dữ liệu định danh về con người, định danh về cơ quan tổ chức và định danh về địa điểm. Ba bộ dữ liệu này sẽ tạo lập nên các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số.

z5966035059910_9fd2159e86f6b44adb5008481c1cbe43.jpg
Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin tại hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, qua 2,5 năm triển khai Đề án 06, đã mang lại những điều cơ bản nhất tạo lập nhóm dữ liệu, trong đó khẳng định 5 nhóm vấn đề: Đề án đã cung cấp các dịch vụ công thiết yếu (nền tảng cơ bản để tạo lập dữ liệu); phục vụ cho việc phát triển kinh tế; tạo lập được công dân số; tạo lập bộ dữ liệu dùng chung để các đơn vị liên quan khai thác; giá trị tham mưu, hoạch định chính sách cho địa phương, cho Chính phủ.

Song, trong quá trình triển khai Đề án 06, đã xác định một số điểm nghẽn (nghẽn về pháp lý, về dữ liệu nghiệp vụ, hạ tầng, bảo mật và nguồn lực). Đây là những điểm nghẽn, theo Đại tá Tấn, giải quyết được điểm nghẽn trên mới phát triển được Đề án 06, cũng như giải quyết được trong chuyển đổi số.

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, theo mục tiêu, kết thúc của Đề án 06 sẽ tạo lập được bộ dữ liệu cơ bản nhất về con người. Nhưng, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có các bộ pháp lý khác liên quan tới dữ liệu, trong đó cần thiết phải có Luật về dữ liệu.

Theo lãnh đạo C06, cần phải xác định quan điểm, dữ liệu được số hóa tới đâu phải đưa vào sử dụng tới đó để phục vụ nhân dân, không trông chờ khi có nhóm chung mới đưa vào sử dụng.

“Chúng ta đang có quan niệm số hóa xong dữ liệu mới đưa vào dùng, nhưng thực tế, qua triển khai dữ liệu dân cư, thấy rằng, khi dữ liệu được số hóa phải mang dùng ngay thì mới sống. Bên cạnh đó, dữ liệu nào là dữ liệu gốc, cốt lõi, khi được tạo lập sẽ là nền tảng để tạo lập cho các dữ liệu khác. Ví như, dữ liệu dân cư được tạo lập sẽ là nền tảng để cho ngành tư pháp tiếp tục số hóa”, Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin và cho rằng, trước bối cảnh đó, cần phải có Luật Dữ liệu để có tính pháp lý.

“Trong cuộc chơi về dữ liệu, cần phải nói tới tính đồng bộ trong khai thác để đảm bảo an ninh, an toàn, điều này cần có những giải pháp mạnh. Chúng ta hiện nay nói tới nhiều dữ liệu, nói tới nhiều AI - trí tuệ nhân tạo, tất cả chúng ta đều hiểu và đều nhận diện ra được phải ứng dụng AI vào dữ liệu. Nhưng thực sự, dữ liệu chưa trưởng thành, thì làm sao nói tới AI được”, Đại tá Vũ Văn Tấn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tiếp tục tham vấn chính sách cho các cơ quan tổ chức để đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng các bộ dữ liệu. Trên cơ sở kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, từ đó tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất hơn. Các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn.

Chiến lược dữ liệu Quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Tin cùng chuyên mục