Những năm gần đây, ngày càng có nhiều kiều bào Mỹ, Australia, Canada… trong những chuyến trở về Việt Nam thăm quê hương đã tìm đến các cơ sở y tế trong nước để khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài cũng đã bắt đầu tin tưởng và đến Việt Nam sử dụng các dịch vụ y khoa. Đây chính là động lực để ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm thu hút bệnh nhân nước ngoài, đồng thời giữ chân người Việt điều trị trong nước thay vì xuất ngoại.
Bệnh nhân người Australia đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: Thành Sơn Chất lượng ngoại, giá nội
Đầu năm 2019, khi trở về Việt Nam đón tết, vợ chồng chị Trần Minh Châu (Việt kiều Mỹ) đã đến Bệnh viện Từ Dũ để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Sau một thời gian dài thực hiện, vợ chồng chị Châu không giấu được niềm hạnh phúc khi kết quả đã thành công. Chị cho hay, giá dịch vụ TTTON tại Mỹ khá cao, lên tới trên 20.000 USD/chu kỳ, trong khi khả năng thành công chỉ hơn 30%, và việc đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa rất khó, chờ đợi rất lâu... Trong khi về nước, được các bác sĩ chuyên khoa giỏi tư vấn kỹ, quá trình thực hiện có chi phí điều trị khá thấp (khoảng 2.500 - 3.000 USD/chu kỳ) và tỷ lệ thành công cao.
Còn em T.Darika (quốc tịch Campuchia), vốn bị hội chứng dính ngón bẩm sinh ở bàn tay trái và bàn chân trái, luôn coi các bác sĩ Việt Nam là cha mẹ vì đã thực hiện thành công phẫu thuật tách ngón cho em vào cuối năm 2018. Sau 2 giờ phẫu thuật bằng phương pháp giải phóng vòng thắt, các bác sĩ đã tách ngón thứ 3 và thứ 4 bàn tay trái và ngón thứ 2, thứ 3 bàn chân trái. Hiện tại, bàn tay em đã có đủ 5 ngón, có thể cầm viết và tập vở.
Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nếu như năm 2014, số lượt khám bệnh cho người nước ngoài là hơn 234.000 người, số lượt điều trị nội trú là hơn 26.000 người, thì đến năm 2018 đã có hơn 300.000 lượt người nước ngoài khám bệnh tại Việt Nam và số lượt điều trị nội trú đã tăng hơn gấp 2 lần với 57.000 lượt người.
Những dịch vụ kỹ thuật được bệnh nhân nước ngoài sử dụng chủ yếu tại Việt Nam như nha khoa, can thiệp tim mạch, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản, ung thư và một số bệnh ngoại khoa. Đặc biệt, các dịp lễ tết, lượng kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam cũng đã lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây. Phần lớn trong số này là Việt kiều, người Lào, Campuchia, ngoài ra có người Nhật, Hàn Quốc... khám, chữa các loại bệnh về răng, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản. Thậm chí, có những người nước ngoài vì tin tưởng vào chất lượng y tế Việt Nam đã kiên quyết đến và điều trị các bệnh lý phức tạp.
Đầu tư để thu hút người bệnh
Dịch vụ tốt, nhân viên chu đáo, bác sĩ tận tình... là những dòng phản hồi mà người nước ngoài đánh giá về chất lượng khám chữa bệnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì thế mạnh và tay nghề của bác sĩ trong nước cũng như điều kiện y tế của Việt Nam vẫn chưa được nhiều người biết đến. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các bệnh viện tuyến cuối tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào kỹ thuật nhiều hơn là nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cùng với đó, hiện nay tình trạng quá tải vẫn còn xảy ra với các bệnh viện tuyến cuối. Nhiều trường hợp nhẹ có thể chuyển xuống tuyến dưới (như 30% bệnh nhân điều trị tuyến Trung ương có thể xuống tuyến tỉnh, 30% tuyến tỉnh có thể xuống tuyến huyện và 30% tuyến huyện có thể xuống tuyến xã). Vì thế, điều mà ngành y tế đang tập trung hiện nay là “kéo ngược”, tức là tăng cường y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình cả về cơ sở vật chất, chất lượng, nhân lực và cơ chế tài chính để người dân có thể đến khám bệnh, theo dõi, nâng cao sức khỏe dự phòng tại nơi gần nhất. “Khi tuyến trên dồn xuống dưới như vậy thì bớt quá tải, các bác sĩ có nhiều thời gian tập trung khám chữa bệnh cho các trường hợp khó. Không quá tải thì mới thu hút được người bệnh nước ngoài” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, trong năm 2018 có khoảng 40.000 lượt bệnh nhân trong nước ra nước ngoài điều trị làm “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD, một con số quá lớn so với một nước đang phát triển như Việt Nam.
“Hiện nay, chúng ta vẫn còn quá ít tiếp thị đến khách quốc tế. Nếu như những nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... đã có những công ty đại diện từ rất lâu, chuyên tiếp thị đến người dân Việt Nam để sang nước họ chữa bệnh thì đến giờ này tại Việt Nam gần như chưa có một đơn vị hay BV nào đặt đại diện tại nước ngoài để tiếp thị” - Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận và cho rằng, thời gian tới, nhằm thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, đòi hỏi phải tuyên truyền về khả năng, lợi thế khi chữa bệnh tại Việt Nam như chuyên môn kỹ thuật tốt, giá thành rẻ, không phải đi xa. Việc cần làm bây giờ là nâng cấp chất lượng dịch vụ y tế một cách đồng bộ từ tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, máy móc phải được đầu tư trang thiết bị hiện đại, khuôn viên xanh, sạch, đẹp, hiện đại, sang trọng, đặc biệt chú trọng công tác ứng xử, thái độ, quan tâm chăm sóc bệnh nhân... có như vậy mới giữ chân được người bệnh.
THÀNH SƠN