Du lịch về nguồn cuối dãy Trường Sơn

Vùng đất Đông Nam bộ đi vào lịch sử với truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đây những di tích mang tầm quốc gia như nhắc nhớ về một thời kháng chiến trường kỳ, gian khổ và việc giữ gìn, tôn tạo các di tích vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau vừa phục vụ cho phát triển du lịch bền vững.
Một góc di tích Tà Thiết
Một góc di tích Tà Thiết

Từ Căn cứ Tà Thiết 

Chúng tôi về lại Lộc Ninh vào những ngày giáp tết. Trong không khí chào xuân, người dân Lộc Ninh có niềm vui mới khi Khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết vừa được đầu tư hoàn chỉnh với kinh phí 336 tỷ đồng gồm nhiều hạng mục như Nhà tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm, Cổng vào khu di tích, Hồ cảnh quan, Cổng chào Ngã ba Đồng Tâm, Hàng rào bao quanh khu di tích… Dự án là nghĩa cử thiết thực “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tôn tạo, giữ lại cho thế hệ hôm nay và con cháu mai sau một di tích lịch sử quan trọng.

Ngược thời gian, ngày 7-4-1972, Lộc Ninh được giải phóng, trụ sở của Bộ Chỉ huy miền đóng tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh được dời về khu vực Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh). Đây là trung tâm đầu não được mệnh danh “khu rừng Chính phủ”, là nơi ở và làm việc của cơ quan B2. Dưới những tán cây lớn, được bao bọc bằng rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh… Căn cứ được xây dựng trên diện tích khoảng 16km2 với hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc cùng trường lớp được xây dựng chắc chắn, bảo đảm cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa Xuân năm 1975. Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đóng tại Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được thành lập ở chiến trường miền Nam. 

Ngày nay, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết trở thành địa danh vừa có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng vừa là địa chỉ đỏ, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm, Khu Di tích Tà Thiết đón khoảng 14.000 lượt khách về tham quan, học tập, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động về nguồn cũng như các hoạt động ý nghĩa khác.

Tỉnh đoàn Bình Phước với chuyến về nguồn tại Căn cứ Tà Thiết


Đến Trung ương cục miền Nam 

Nằm cách thành phố Tây Ninh 60km, khu căn cứ Trung ương cục miền Nam đã được tôn tạo, phục chế lại với những căn nhà lợp lá trung quân đơn sơ, gọn đẹp, chen lẫn trong màu xanh của lá rừng và chằng chịt những dây leo. Đây là cơ quan đầu não lãnh đạo trực tiếp Cách mạng miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến khi thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra chiến lược, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng miền Nam, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Di tích lịch sử Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 42km về hướng Bắc là căn cứ của Chính phủ được bầu bởi Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức. Du khách đến đây sẽ được sống lại một thời tranh đấu sục sôi và khắc ghi nhiều chiến công hào hùng trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cách đó không xa là di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (thuộc ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên). Suốt 15 năm chiến đấu, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng gian bảo mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam và tháng 12-1995, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 3777/QĐ-BT. Trong 9 tháng đầu năm 2019, các di tích ở Trung ương Cục đã đón 43.000 lượt khách đến tham quan và tăng 5%-6% so với năm trước. Hiện tỉnh Tây Ninh đã có đề xuất Trung ương hỗ trợ tu bổ Căn cứ Trung ương cục miền Nam 180 tỷ đồng, di tích chiến thắng Tua Hai 30 tỷ đồng, Bảo tàng tỉnh 150 tỷ đồng.

Trong chuyến công tác tại Tây Ninh mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Tây Ninh muốn phát triển du lịch cần phải nhìn tổng thể văn hóa gắn với du lịch; phải tập trung xây dựng một ngành du lịch mang tính chất đặc thù của địa phương, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa hiện có và cần quán triệt hơn nữa việc bảo tồn di tích, phát triển văn hóa để đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn.

Tin cùng chuyên mục