Tiềm năng
Bảo tàng, công viên lấy cảm hứng, hoặc khai thác theo chủ đề từ một tác giả, hay một tác phẩm văn học, không còn xa lạ trên thế giới. Có thể kể đến Bảo tàng Don Quixote (Tây Ban Nha, dựa trên tác phẩm cùng tên của Miguel de Cervantes), Bảo tàng Hồng Lâu Mộng (Trung Quốc, dựa trên tác phẩm cùng tên của Tào Tuyết Cần), Bảo tàng Tây Du Ký (Trung Quốc, dựa trên tác phẩm cùng tên của Ngô Thừa Ân), Bảo tàng Chiến tranh và hòa bình (Nga, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Lev Tolstoy), Bảo tàng Hoàng Tử Bé (Nhật Bản, dựa trên tác phẩm cùng tên của Saint Exupery), Bảo tàng Ngây thơ (Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên tác phẩm cùng tên của Orhan Pamuk)…
Vào tháng 12-2022, Bảo tàng Văn học (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) vừa phối hợp Công ty Du lịch Bền Vững thành lập tour du lịch đặc biệt có chủ đề “Chữ Tâm, chữ Tài”, đưa du khách tham quan khu vườn tượng 20 danh nhân văn học. Theo những người thực hiện, sản phẩm du lịch mới này sẽ khai thác những tinh hoa văn học của Việt Nam, mang đến những cách kể, cách tiếp cận văn chương khác biệt để những di sản văn chương đến gần với công chúng. Sản phẩm không chỉ tạo không gian văn hóa cho người dân Hà Nội, mà còn kỳ vọng sẽ tạo được điểm du lịch hấp dẫn cho những người yêu văn chương, du khách trong và ngoài nước. Trước đó không lâu, Công ty TNHH MTV Amazing English Tour cũng đã tổ chức tour du lịch văn học với điểm đến là Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại thôn An Thạch (xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Du khách tham quan tại khu mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử (Quy Nhơn, Bình Định) |
Ngoài những địa danh trên, có nhiều địa điểm nhờ văn chương mà trở nên nổi tiếng, trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách như: Làng Vũ Đại (Lý Nhân, Hà Nam), Nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Khu mộ Hàn Mặc Tử (TP Quy Nhơn, Bình Định), Khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)...
Theo PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, du lịch văn học là mô hình rất độc đáo và tiềm năng khi trải dài từ Bắc vào Nam, tỉnh nào cũng có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. “Chúng ta sẽ dựa vào đó để vừa phát triển du lịch, vừa nâng cao dân trí. Du lịch văn học là loại hình mới, đủ sức hấp dẫn du khách, cũng là bạn đọc yêu văn chương”, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh cho biết.
Lợi ích kép
Anh Minh Thành (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) bày tỏ: “Tôi rất yêu thích thơ Hàn Mặc Tử. Vậy nên, khi đến Quy Nhơn, tôi đã ghé thăm khu mộ của ông. Tôi cũng đã đến Phan Thiết, nơi có quán kem của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Có thể nói, cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của ông đã dẫn đường đưa tôi đến những địa điểm trên”.
PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh cho rằng, du lịch văn học hiện vẫn đang dừng ở tiềm năng nhưng chưa mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, nên có cái nhìn rộng hơn, địa phương, ngành du lịch cần bắt tay để du khách thấy nơi đó đáng đi, họ sẽ đi nhiều lần và mình sẽ thu tiền từ những hoạt động, dịch vụ khác, chứ không phải trực tiếp từ các nhà lưu niệm. “Quan trọng nhất ở đây là chúng ta tạo ra lợi ích kép, vừa là sản phẩm du lịch, vừa giúp du khách tìm hiểu về một văn nhân nào đó”, bà Hoa Tranh cho biết.
Tuy nhiên, hiện có một thực tế đáng buồn là tình trạng xuống cấp ở một số di tích, nhà lưu niệm; một số thì nội dung đơn điệu, nghèo nàn. Nhiều du khách đến để thỏa trí tò mò, rồi… không hẹn ngày trở lại. Điều này đặt ra cho những khu lưu niệm về công tác bảo tồn phải tốt hơn nữa, cùng với đó là nội dung, tư liệu phải phong phú, đa dạng. “Để có thể thu hút du khách, các khu lưu niệm phải tái hiện được hình ảnh nhà văn, nhà thơ đặt trong bối cảnh không gian văn hóa thời đại của họ. Bên cạnh đó, phải có những sưu tầm tư liệu, sách vở, nghiên cứu, bản thảo, kể cả photo cũng được, liên quan đến tác phẩm của họ và những nhà văn cùng thời đại với họ. Phải có không gian để mọi người nhìn và thấy được nhà văn đó đã sống, sáng tác trong bối cảnh như thế nào. Có như vậy, những nhà lưu niệm đó mới phong phú, hấp dẫn”, một chuyên gia trong lĩnh vực văn học chia sẻ.