Du lịch Tu Mơ Rông chờ “đại bàng” đánh thức

Dù chưa có tên trong bản đồ du lịch Tây Nguyên nhưng Tu Mơ Rông lại sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp mê hồn, đủ sức làm du khách mê mệt. Đó là những con thác hùng vĩ với nhiều vệ tinh bao quanh như quần thể rừng nguyên sinh, những cánh đồng cỏ miên man, đồi săn mây ngút ngàn và hệ thống ruộng bậc thang uốn lượn. Nơi đây cũng sở hữu vườn Sâm Ngọc linh lớn nhất thế giới, trở thành sản phẩm du lịch không nơi nào có được.
Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum (thứ 2 từ trái qua) khảo sát điểm du lịch thác Tea Prông

Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum (thứ 2 từ trái qua) khảo sát điểm du lịch thác Tea Prông

Liên hoàn thác giữa rừng già

Đặt chân đến xã Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi cảm nhận không khí xuân đang ngập tràn. Ở ngã 3 đường, một tốp du khách đang say sưa xem những bức ảnh tuyệt đẹp của thác “công chúa” Siu Puông. Họ tấm tắc ngợi khen vẻ đẹp của thác và quyết định sẽ vào thưởng lãm con thác này.

Theo chân họ, chúng tôi cũng có mặt tại thác. Ập vào mắt là ngọn thác khổng lồ uốn lượn, nằm lọt thỏm giữa rừng già. Dòng nước từ trên cao đổ ào ạt xuống những bãi đá mấp mô, bọt nước bay trắng xoá, trông rất thích mắt. Tiếng chim kêu, vượn hú hoà lẫn tiếng thác đổ. Từ Siu Puông, phóng tầm mắt lên trên là các thác Tiên Nữ, Siu Ngok La, tạo thành liên hoàn thác với chiều dài hơn 400m.

Ông Bùi Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Đắk Na cho biết, xung quanh các thác này còn có các “vệ tinh” là đồi cỏ rộng 4ha và đồi săn mây. Những vệ tinh này cách thác Siu Puông khoảng 1km. Trong đó, đồi cỏ là bãi cỏ mọc xanh rờn quanh năm, có thể cắm trại để thưởng lãm cảnh đẹp giữa núi rừng. Còn đồi săn mây nằm trên đỉnh Ngọc Ka, nơi mà khi đặt chân đến, du khách có thể quan sát toàn bộ các khu dân cư, ngắm những đám mây bao quanh vùng đất này và những cánh quạt gió khổng lồ ở huyện lân cận.

Với 95% là người đồng bào Xơ Đăng, Tu Mơ Rông sở hữu nền văn hoá độc đáo

Với 95% là người đồng bào Xơ Đăng, Tu Mơ Rông sở hữu nền văn hoá độc đáo

“Liên hoàn thác, đồi cỏ và đồi săn mây là chuỗi sản phẩm du lịch mà du khách có thể tận hưởng khi đến xã. Ngoài ra, khi đến mùa, du khách còn được ngắm quả ngũ vị tử chín đỏ mọng, cánh đồng bậc thang đẹp như tranh vẽ, mùi hoa sơn tra thơm ngát núi đồi và những cánh rừng cổ thụ nguyên sinh mọc sừng sững giữa đất trời. Hiện đường vào thác Siu Puông sẽ được đầu tư vào năm 2023. Khi đầu tư xong, du khách sẽ thoải mái tận hưởng cảm giác sống, chinh phục thiên nhiên giữa đại ngàn Đắk Na này”, ông Viên nhấn mạnh.

Chờ nhà đầu tư khai thác

Mang vẻ đẹp những con thác ở Đắk Na kể với ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông cười, nói: "Trên địa bàn, còn nhiều sản phẩm du lịch khác cũng đẹp không kém. Đó là Thác 7 tầng (xã Đăk Rơ Ông), Đa Tầng, Tea Prông (xã Tu Mơ Rông và Tê Xăng), Y Pia (xã Măng Ri); Hồ Ba Khen (xã Văn Xuôi) và hệ thống ruộng bậc thang tuyệt đẹp tưởng như chỉ có vùng Tây Bắc. Một khung cảnh đẹp nên thơ khác là quần thể cây phong lá đỏ với màu sắc quyến rũ, làm đỏ rực một vùng. Những đặc sản du lịch này còn hoang sơ, bao quanh là rừng núi trùng điệp. Ngoài ra, còn có di tích lịch sử cách mạng Khu Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum và nền văn hoá cồng chiêng, ẩm thực, nhà rông, lễ hội, nhạc cụ độc đáo của 95% dân cư đồng bào Xơ Đăng".

Thác Siu Puông

Thác Siu Puông

Tại Tu Mơ Rông, sản phẩm du lịch độc nhất vô nhị mà không địa phương nào có là du lịch tham quan vườn Sâm Ngọc linh. “Địa bàn có khoảng 1.700ha Sâm Ngọc linh. Đây là sản phẩm du lịch mới mà địa phương đang khai thác. Thời gian qua, rất nhiều đoàn đến tham quan, họ rất thích sản phẩm du lịch này. Nhờ đó, người dân đã bán được sâm với giá cao, còn du khách được tham quan nơi trồng sâm, tận tay mua đúng sâm thật”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, du lịch của huyện dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng rất được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Đích thân các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp băng rừng vào các ngọn thác để khảo sát, từ đó gỡ khó và gợi mở hướng khai thác du lịch để làm sao vừa bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ giá trị văn hoá mà còn giúp người dân có thu nhập cao. Nhờ những định hướng này mà thời gian qua, du lịch Tu Mơ Rông đã có nhiều tín hiệu vui. Đó là các chuỗi mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo tồn văn hoá, tham quan vườn dược liệu đã được hình thành. Trong chuỗi du lịch này, người dân Xơ Đăng đã có thu nhập cao từ du lịch. Thông qua phục vụ cồng chiêng, các món ăn bản địa cho du khách, văn hoá của họ đã được bảo tồn, truyền bá rộng khắp ra cả nước.

Điểm sáng khác là một số doanh nghiệp lữ hành đã đến tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch và xem xét đưa hoạt động du lịch tham quan vườn sâm Ngọc linh vào chuỗi khai thác các tour tuyến của họ.

Săn mây trên đỉnh Ngọc Ka

Săn mây trên đỉnh Ngọc Ka

Ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm, vừa qua, nhận ra tiềm năng, đã có tập đoàn lớn vào khảo sát đầu tư du lịch ở huyện. Huyện hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát.

“Trong khi chờ nhà đầu tư vào đánh thức tiềm năng du lịch vốn đang còn “ngủ quên” này, huyện đã đi trước bằng việc đầu tư một số cơ sở hạ tầng và hình thành các hợp tác xã để làm đối tác liên kết phát triển du lịch cũng như đang xúc tiến thành lập 3 làng du lịch cộng đồng; xây dựng các tour du lịch theo nhu cầu của khách tham quan" - ông Mạnh nói.

Ông Mạnh cũng nhấn mạnh: "Tới đây, vào ngày 6-2, trong khuôn khổ phiên chợ sâm lần 2, huyện sẽ tổ chức Hội thảo về tiềm năng, giải pháp phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023. Hội thảo sẽ là nơi để nhà khoa học, đơn vị lữ hành, sở ngành cùng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chi hội du lịch Cộng đồng Việt Nam... hiến kế để khai thác tiềm năng du lịch mà huyện đang có. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xây dựng kế hoạch phát triển du lịch để hỗ trợ nhà đầu tư đến địa phương đầu tư khai thác du lịch”.

Tin cùng chuyên mục