Trầm lắng tour lễ
Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Lữ hành Vietluxtour, mãi lực tour dịp lễ sắp tới không sôi động do nhiều gia đình đã tranh thủ đi chơi trong dịp hè. Tour dịp này được xem như kỳ nghỉ vét của nhiều gia đình trước khi cho con đón năm học mới. Bổ sung nhận định này, đại diện TSTtourist thông tin, doanh nghiệp không kỳ vọng vào sự tăng trưởng đột phá tour lễ do nhiều gia đình vừa trải qua kỳ nghỉ hè đủ dài, chưa kể tình hình kinh tế nói chung gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mức chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, các địa phương đang bước vào mùa mưa, một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông và Tây Bắc… dễ xảy ra sạt lở, nên du khách khá thận trọng khi chọn những nơi này để tham quan.
Ngày 21-8, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, vé máy bay cho dịp cao điểm 2-9 vẫn còn nhiều. Giá vé tăng nhưng không có sự chênh lệch nhiều so với giai đoạn cao điểm hè, kể cả trên các đường bay trục lẫn đường bay du lịch. Thông tin từ các đại lý vé cho biết, giá vé máy bay chặng Hà Nội - TPHCM ngày 1-9 hiện có giá từ 3,3 triệu đồng/vé khứ hồi; chặng Hà Nội - Đà Lạt, Nha Trang có mức giá từ 3,2 triệu đồng/vé khứ hồi…
Ghi nhận giá bán vé máy bay trên một số trang web dịp cao điểm lễ hiện không quá nóng. Khách cá nhân hoặc đi theo nhóm nhỏ vẫn dễ dàng đặt vé qua các trang mạng. Chẳng hạn, giá vé khứ hồi chặng bay VietJet khởi hành từ TPHCM đi Nha Trang đi ngày 29-8 và về ngày 3-9 khoảng 1,6 triệu đồng/người; giá vé khứ hồi Vietnam Airlines chưa tới 2 triệu đồng/người… Các chuyến bay trải đều trong ngày, có chuyến khách đặt sát ngày lễ, chẳng hạn chuyến bay khởi hành từ TPHCM đi Phú Quốc vào ngày 31-8 có mức giá từ 903.000 đồng đến gần 1,2 triệu đồng/người…
Theo kế hoạch khai thác của các hãng hàng không, tổng số chuyến bay dự kiến khai thác trong giai đoạn cao điểm từ ngày 31-8 đến ngày 5-9 là hơn 5.300 chuyến, với tổng ghế cung ứng là 1,06 triệu ghế, tăng khoảng 20% so với giai đoạn bình thường và giảm 3% so với cùng kỳ 2022. Tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn cao điểm ở mức thấp, lượng ghế cung ứng còn lại vẫn dồi dào. Cụ thể, tại các đường bay trục Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, tỷ lệ lấp đầy chuyến bay mới chỉ đạt trên dưới 40%. Đối với các đường bay du lịch, ngoại trừ một số chặng có tỷ lệ đặt chỗ trên 40% (từ Hà Nội đến Phú Quốc, Bình Định và Côn Đảo hay đường bay từ TPHCM đi Bình Định), các chặng khác đều đang ở mức thấp, dao động từ 25% đến dưới 40%.
Hoạt động vận tải khá im ắng
Trong bối cảnh người dân đi du lịch dịp lễ không còn sôi động, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh các tuyến cố định cũng khá ảm đạm. Theo nhiều doanh nghiệp, vẫn còn nhiều xe chưa có khách thuê nên giá thuê không tăng. Tại các bến xe khách liên tỉnh như Miền Tây, Miền Đông mới, An Sương…, có rất ít hành khách đặt mua vé trước.
Không chỉ vậy, theo nhiều doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại các bến xe khách liên tỉnh, hiện trên hệ thống phần mềm cấp phù hiệu tuyến cố định của ngành chức năng chỉ có lộ trình các tuyến đường quốc lộ mà không có lộ trình đường cao tốc. Do đó, nếu doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đi cao tốc thì sẽ “bị” lực lượng chức năng kiểm tra phù hiệu tuyến cố định thông qua việc quét mã QR, nếu không thấy xe có lộ trình trên đường cao tốc thì có thể doanh nghiệp sẽ bị phạt rất nặng vì “đi sai lộ trình”. Cả nước hiện có khoảng 800km đường cao tốc với lộ trình qua nhiều tỉnh, thành phố du lịch trong cả nước. Để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT cần sớm cập nhật hệ thống đường cao tốc vào lộ trình các tuyến cố định. Trong trường hợp chưa thực hiện được trong dịp lễ Quốc khánh tới đây, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đề xuất Bộ GTVT nên kiến nghị cơ quan chức năng tạm thời chưa xử phạt các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định sử dụng lộ trình đường cao tốc trong thời gian chờ công bố lộ trình mới.