Tiềm năng phong phú, đa dạng
Nếu “bay” trên không gian xứ Thanh, du khách sẽ dễ dàng hình dung được vùng đất “Thanh kỳ khả ái”. Men theo bờ biển là các các khu du lịch nổi tiếng: Sầm Sơn, Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Tiên Trang (Quảng Xương), Hải Hòa và bãi Đông (thị xã Nghi Sơn),… Trên vùng đồng bằng, trung du là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền thờ Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, huyệt đạo Am Tiên, phủ Na; Vườn Quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, hang Con Moong, động Từ Thức,…
Không chỉ có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, xứ Thanh còn mang trong mình nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như: múa đội đèn - “lên chùa bẻ một cành sen/ ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”; mo Mường, trò Xuân Phả, lễ Kin chiêng boọc mạy của người Thái, lễ hội “chơi hoa” Pồn Pôông của người Mường,…
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết, trong “dòng chảy” “hương sắc bốn mùa” của du lịch tỉnh nhà, di sản Thành Nhà Hồ cũng thu hút được đông đảo du khách bốn phương đến tham quan. Năm 2023, di sản Thành Nhà Hồ đón hơn 228.000 lượt du khách; trong năm 2024, tính đến tháng 11 di sản đã đón hơn 242.000 lượt du khách.
Trong khi đó, ông Lê Công Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En cho biết, nhờ kết hợp các hoạt động bảo vệ rừng gắn với sinh kế của người dân nên du lịch sinh thái, trải nghiệm đang thu hút rất đông du khách đến với Bến En. Trung bình mỗi năm có khoảng 25.000 du khách đến nơi đây tham quan, trải nghiệm. Những hòn đảo ở Bến En như: Đảo Tình yêu, đảo Đôi, đảo Lúng Túng, đảo Bồng Lai, đảo Bến Mơ, đảo Hy Vọng,… đang là những điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách trẻ.
Những con số ấn tượng
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL Thanh Hóa) phấn khởi cho biết, từ năm 2023 đến nay Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 4 cả nước về thu hút khách du lịch, chỉ sau TPHCM, Hà Nội và Quảng Ninh; xếp thứ 5 về tổng thu du lịch, sau TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Qua thống kê cho thấy, giai đoạn 2021 đến năm 2024, Thanh Hóa ước đón hơn 42,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 83.386 tỷ đồng.
Trong 10 tháng năm 2024, lượng khách đến Thanh Hóa đạt gần 14,7 triệu lượt, đạt 106,3% kế hoạch năm 2024; tổng thu du lịch đạt trên 32,4 nghìn tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm 2024. Nhiều sản phẩm du lịch của Thanh Hóa, đặc biệt là du lịch biển đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của khu vực và cả nước. Trong đó, du lịch kết hợp chơi golf tại FLC Sầm Sơn, Công viên nước Sun World Sầm Sơn; nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi, giải trí tại Flamingo Ibiza Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa)... thu hút lượng khách rất lớn. Mỗi dịp hè, biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa lại “quá tải” du khách ghé thăm, nghỉ dưỡng. Nhiều sản phẩm du lịch mở, hấp dẫn đang thu hút đông du khách trải nghiệm, như: tour du lịch Nghi Sơn - đảo Mê, tour du lịch ra đảo Nẹ; chèo thuyền kayak, trượt zipline, đua xe Go-kart, dù lượn,…
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón 21.500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1.600.000 lượt; tổng thu du lịch đạt 94.200 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 900 triệu USD. Để thu hút được ngày càng đông du khách, ngoài thị trường trong nước, tỉnh Thanh Hóa đã và đang xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động thu hút khách quốc tế, trong đó chú trọng vào các nước có tiềm năng lớn như: Mỹ, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… Các loại hình du lịch sẽ được tập trung đầu tư là những sản phẩm du lịch cao cấp, chất lượng, như: nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch văn hóa -lịch sử, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị,…
Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực và cả nước
Thanh Hóa không chỉ đơn thuần “ăn sẵn” những gì thiên nhiên ban tặng mà đang “tựa” vào thiên nhiên, đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Hiện tỉnh có 82 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 153.000 tỷ đồng. Trong số này có những dự án quy mô lớn, như: Dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội (TP Sầm Sơn); Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (huyện Như Thanh); Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa (huyện Quảng Xương); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương); Khu Du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường (Hoằng Hóa)...
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa đã, đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm tạo đột phá về cải thiện môi trường du lịch; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch chất lượng cao, đầu tư sản phẩm du lịch chiều sâu để có giá trị gia tăng lớn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ có hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.