Thiếu kết nối
Thực tế hiện nay, dù mỗi tỉnh tại Tây Nguyên đều có những lợi thế nhất định nhưng lại thiếu hẳn sự kết nối theo chiều dọc từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk xuống Đắk Nông, Lâm Đồng và ngược lại. Thay vào đó, các địa phương hầu như hướng sang phía Đông kết nối với các địa phương có biển.
Bà Nguyễn Thị Lý, quản lý một đơn vị lữ hành tại TP Đà Lạt, cho biết trước đây đơn vị đã khảo sát và thực hiện thí điểm một số tour từ TPHCM đi Đà Lạt sau đó ngược lên Đắk Lắk.
Tuy nhiên, khi triển khai tour này, phần lớn du khách chỉ hài lòng một nửa chặng khi đến Đà Lạt. Lý do, chặng đường từ TPHCM đi Đà Lạt, du khách đã có nhiều trải nghiệm, tham quan nhiều thắng cảnh thác, hồ, văn hóa các dân tộc bản địa.
“Những sản phẩm này tại Đắk Lắk cũng sẵn có, thậm chí đặc sắc nhưng tâm lý du khách thích khám phá điều mới lạ nên những sản phẩm du lịch trùng lặp thường không thu hút được nhiều quan tâm”, bà Nguyễn Thị Lý phân tích.
Còn anh Nguyễn Dương Nhân, hướng dẫn viên du lịch tại Đà Lạt, cho rằng giao thông là vấn đề trở ngại nhất nếu muốn đưa khách từ Đà Lạt đi Đắk Lắk, Gia Lai hoặc ngược lại.
Tây Nguyên có kho tàng văn hóa bản địa phong phú, thắng cảnh đẹp
là điều kiện tốt để phát triển du lịch. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
là điều kiện tốt để phát triển du lịch. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Tuyến đường bộ kết nối giữa Đà Lạt đi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có nhiều đèo dốc, chất lượng đường kém, vô số đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng khiến thời gian lưu thông lâu cũng là lý do khiến thúc đẩy du lịch gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá về việc thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn Đắk Lắk, ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, nhưng du lịch tại địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, do một số nơi sản phẩm du lịch đơn điệu và giống nhau.
Các công ty du lịch chưa hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa, như cồng chiêng, sử thi, trang phục, ẩm thực… để khai thác. Cách tổ chức của các công ty du lịch cũng chưa thu hút được khách. Các công ty du lịch có tư tưởng ăn xổi, tận dụng nhiều vào ưu đãi thiên nhiên sẵn có. Người làm du lịch không biết văn hóa bản địa nên chưa khai thác được.
Cần thương hiệu du lịch chung
Trước đây, đã có nhiều dự án du lịch kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên, tiêu biểu như dự án “Con đường xanh Tây Nguyên” được Tổng cục Du lịch Việt Nam hoạch định. Dự án nhằm nối kết các điểm du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách bởi tính thích khám phá và mạo hiểm của một tour du lịch sinh thái. Nhất là với những người yêu thích thiên nhiên. Với dự án này, có thể bắt đầu từ Đà Nẵng qua Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng hoặc theo hướng ngược lại, nếu xuất phát từ TPHCM. Tuy nhiên, dự án đã không triển khai đúng như kỳ vọng.
Năm 2016, Ban Điều phối phát triển du lịch vùng Tây Nguyên được thành lập, có chức năng giúp Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên (đã dừng hoạt động - phóng viên) và Bộ VH-TT-DL tổ chức liên kết, hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, các thành viên chủ yếu giữ vị trí kiêm nhiệm nên hoạt động của ban vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho rằng các tỉnh trong khu vực cần phát huy thế mạnh chung về không gian văn hóa bản địa, nhất là cồng chiêng, sử thi, coi đây là những sản phẩm chung của cả khu vực Tây Nguyên chứ không nên mạnh ai nấy làm.
Các tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch chung cho Tây Nguyên và đặc thù từng địa phương, như Đà Lạt - Lâm Đồng đang phát triển các loại hình du lịch canh nông, du lịch mạo hiểm...
Mặt khác, cần xây dựng được thương hiệu chung cho du lịch Tây Nguyên. Để làm được điều này, cần có “đầu tàu” triển khai, cụ thể ở đây là các bộ ngành Trung ương, còn nếu chỉ một địa phương đơn lẻ đứng ra thực hiện thì không thể nào triển khai được.
Trung ương cũng cần có những hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho 5 tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng cơ chế chính sách riêng, cũng như quảng bá, xúc tiến du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu.
Đến năm 2030, du lịch Tây Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng. Hình thành và phát triển 3 địa bàn trọng điểm du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng; 4 khu du lịch quốc gia; 4 điểm du lịch quốc gia; 1 đô thị du lịch; và các khu, điểm du lịch địa phương để tạo động lực phát triển du lịch cho các tỉnh và toàn vùng.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu nói trên là thách thức rất lớn với du lịch Tây Nguyên, bởi từ nay đến năm 2020 không còn xa, trong khi đó du lịch vùng Tây Nguyên vẫn chưa có bước phát triển thực sự bứt phá.