Thông tin nhanh từ lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Hà Giang…, nhiều chương trình lễ hội cuối năm đang diễn ra tại một số tỉnh rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách đến từ các tỉnh thành phía Nam.
Chiều 11-12, tại tỉnh Hà Giang diễn ra hội nghị tổng kết chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang…). Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cùng đoàn công tác, gồm lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp du lịch TPHCM đã tham dự hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc đã đón trên 22 triệu lượt khách nội địa, liên vùng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị chiều 11-12
Mặc dù việc liên kết giữa các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nhưng, các địa phương, trong đó có TPHCM luôn chủ động kết nối, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch, kế hoạch đón khách thông qua nhiều hình thức như online, mạng xã hội…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cùng đoàn công tác TPHCM tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp tại Hà Giang
“Hội nghị lần này được kỳ vọng tiếp tục gắn kết, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của du lịch Tây Bắc, song song với việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để chào đón du khách trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển du lịch TPHCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, ngành du lịch TPHCM đang tập trung chuyển đổi số, đẩy mạnh nâng cao ứng dụng công nghệ vào các hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa phát biểu tại hội nghị
Chẳng hạn, Sở Du lịch TPHCM vừa công bố Bộ Tài nguyên du lịch trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth; công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch TPHCM www.visithcmc.vn ; gần đây nhất là tổ chức sự kiện Ngày hội Du lịch trên nền tảng công nghệ 2D và 3D…
Du khách TPHCM tìm hiểu thông tin du lịch tại Hà Giang
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng thông tin thêm về Bộ tiêu chí đánh giá an toàn đối với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 mà TPHCM vừa ban hành (về việc xử lý, ứng xử với doanh nghiệp, khách du lịch, cơ sở lưu trú mà TPHCM áp dụng) rất hiệu quả; các tỉnh thành có thể tham khảo triển khai đón khách. Vừa rồi, khi tổ chức liên kết lại với các tỉnh, thành phía Nam cùng thống nhất một kịch bản, nên sau các chương trình liên kết, xúc tiến là rất nhiều đoàn khách TPHCM đến tham quan, du lịch an toàn.
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho hay, đơn vị đã cùng một số địa phương xây dựng các tuyến điểm, gồm "Tây Bắc - bản anh hùng ca" (6 ngày - 5 đêm) đi qua các điểm tham quan nổi bật của các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai; tuyến "Hương sắc vùng cao" (5 ngày - 4 đêm) mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị tại những vùng đất: Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai; tuyến "Về miền đất Tổ" (6 ngày - 5 đêm) với các điểm đến: Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai.…
Ông Võ Anh Tài phát biểu tại hội nghị chiều 11-12
Trong đó điểm nhấn tập trung vào chất lượng sản phẩm tour, sự trải nghiệm của du khách chứ không chỉ đi theo số lượng. Sản phẩm được xây dựng với mục đích vừa giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, vừa góp phần phát triển kinh tế bền vững ở các địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con tham gia làm du lịch cộng đồng.
“Rất cần có sự thống nhất liên kết về các tiêu chí an toàn giữa TPHCM với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, để làm sao vừa đón, phục vụ du khách nhưng cũng kịp thời xử lý các tình huống phát sinh khi có ca F0, theo hướng tạo sự thuận lợi và an tâm cho du khách”, ông Võ Anh Tài kiến nghị.
Cũng là một trong những đơn vị đưa khá nhiều đoàn khách đến với Tây Bắc, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chia sẻ, Vietravel đã có hàng chục sản phẩm du lịch đưa khách đến vùng Tây Bắc mở rộng. Tiêu biểu phải kể đến 3 cung đường tour đặc sắc vừa được làm mới và đã triển khai thành công, như "Về miền đất Tổ - cội nguồn dân tộc"; "Bản hùng ca Tây Bắc"; "Hương sắc vùng cao".
Ông Trần Đoàn Thế Duy trao đổi với báo chí tại hội nghị
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã tác động đến xu hướng đi du lịch. Vì vậy, chúng ta cần có sự thích ứng linh hoạt với dịch để kéo du khách trở lại vào dịp cuối năm.
Theo đó, Vietravel đề xuất các tỉnh, thành cần cơ chế linh hoạt về chính sách phục hồi phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh Tây Bắc mở rộng, trong đó các tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng cần có kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể hơn; cần ban hành kế hoạch thống nhất chung phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực như việc di chuyển liên tỉnh, quy định về điều kiện kiểm soát dịch, tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch…
"Các địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy triển khai lại hệ thống cung ứng dịch vụ để phục vụ khách du lịch vì hệ thống cung ứng dịch vụ là một cấu thành quan trọng trong quá trình thực hiện tour cũng như của ngành du lịch; các địa phương trong khu vực cũng cần thống nhất kịch bản trong trường hợp phát sinh ca mắc Covid-19 trong quá trình thực hiện tour, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và du khách khắc phục, xử lý…”, ông Trần Đoàn Thế Duy nói.
Thông tin nhanh từ lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Hà Giang…, nhiều chương trình lễ hội cuối năm đang diễn ra tại một số tỉnh rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách đến từ các tỉnh thành phía Nam.
Chẳng hạn, tại huyện Bắc Hà (Lào Cai), đang diễn ra lễ hội hoa hồng năm 2021, bắt đầu từ ngày 10 đến 12-12 tại khuôn viên dinh Hoàng A Tưởng.
Du khách TPHCM tìm hiểu về cuộc sống của người dân tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)
Theo ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, đây là một trong những sự kiện du lịch kích cầu cuối năm 2021 của tỉnh Lào Cai, nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh “Cao nguyên trắng – Bắc Hà”.
Ngoài việc được trải nghiệm trong không gian dinh thự cổ hoa hồng, du khách cũng có cơ hội trải nghiệm các khu vực giới thiệu những loại rượu đặc sản của Bắc Hà, các sản phẩm thổ cẩm, ẩm thực đặc trưng của tỉnh Lào Cai…
Cũng trong ngày hôm nay 11-12, tại huyện Bắc Hà sẽ diễn ra lễ hội đua ngựa truyền thống khá thu hút du khách. Tham gia đua ngựa là các kỵ sĩ chân đất, đua ngựa nhưng không cần yên. Các lễ hội đang diễn ra tại Bắc Hà thuộc khuôn khổ lễ hội mùa đông Bắc Hà năm 2021.
Lễ hội đua ngựa truyền thống diễn ra tại huyện Bắc Hà
Trước đó, đoàn du khách TPHCM (các sở ngành, doanh nghiệp) đã có chuyến tham quan, khảo sát một số tuyến điểm du lịch tại khu vực Tây Bắc, bắt đầu từ ngày 6 đến 12-12. Mục đích nhằm xây dựng các đường tour độc đáo, hấp dẫn để đưa khách TPHCM tới các tỉnh và ngược lại. Đồng thời, những tour này cũng sẽ phục vụ dòng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Một số tour khảo sát đợt này, bao gồm “Về miền đất tổ cội nguồn dân tộc”, lộ trình TPHCM - Hà Nội - Phú Thọ - Lai Châu - Sapa, Bảo Yên (Lào Cai) - Quang Bình, Đồng Văn (Hà Giang) theo tuyến quốc lộ 279; tour “Bản hùng ca Tây Bắc” ghé thăm Khu du lịch quốc gia lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên…; tour “Hương sắc vùng cao” tham quan dinh thự Hoàng A Tưởng, thung lũng hoa Bắc Hà, cột cờ Lũng Cú, làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải…
Các đại biểu tham dự hội nghị chiều 11-12
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng:
Củng cố y tế dự phòng, vực dậy ngành du lịch
TPHCM luôn sẵn sàng thích nghi, chủ động huy động phân phối mọi nguồn lực. Trước khi có dịch Covid-19, cơ cấu ngành du lịch TPHCM chiếm 10 - 12% trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), nhưng trong thời gian vừa qua, dịch bệnh đã làm ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch TPHCM đã triển khai ngay Kế hoạch phục hồi, gồm 3 giai đoạn.
Mỗi lộ trình, giai đoạn phục hồi, TPHCM đều cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao vừa hiệu quả trong công tác chống dịch, vừa đạt được mục tiêu về phát triển du lịch, tránh tình trạng như trước đây “đóng mở liên tục” khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn.
Song song đó, TPHCM luôn bám sát một nguyên tắc xuyên suốt trong kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch thích ứng với điều kiện an toàn dịch bệnh Covid-19 là “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”.
Thông qua hội nghị, TPHCM cũng đề xuất hai vấn đề, bao gồm việc mở rộng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành du lịch các địa phương khai thác nguồn khách hai chiều theo hình thức khép kín trong thời gian sớm nhất. Từ đó có thể góp phần phát triển du lịch nội địa, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương (về tiêu chí khách, quy trình xử lý F0…).
Đồng thời, các tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mở rộng với các tỉnh bạn; giải pháp triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến và truyền thông điểm đến giữa TPHCM và các tỉnh khu vực Tây Bắc.