Mới đây, một số thông tin được đăng tải, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, đã khiến dư luận “sốc” nặng vì khoản thu siêu lợi nhuận của một số cơ sở tâm linh.
Như tiết lộ của một phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng chỉ trong một mùa lễ hội, số “tiền lẻ” mà khách thập phương để lại ở chùa Hương đem gửi ở chi nhánh ngân hàng huyện Mỹ Đức đã lên tới 1.200 bao tải, với tổng trị giá khoảng 22 tỷ đồng tiền công đức.
Ở Yên Tử, năm cao nhất thu tới 31 tỷ đồng, nhưng chỉ 4% trong số đó được trích lại cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách Nhà nước bỏ ra ít nhất 10 tỷ đồng để nuôi bộ máy cũng như công tác an ninh trật tự, môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương và chăm sóc, bảo vệ rừng. Chưa kể, với những sửa chữa, tu bổ lớn trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cũng đều dùng tiền ngân sách.
Mùa lễ hội Yên Tử năm nay (khai hội ngày 15-2), ước tính sẽ có khoảng 2 triệu lượt khách đổ về và số thu là bộn bề “không thể đếm hết”. Riêng trạm “BOT” cổng chùa từ phía Uông Bí, Quảng Ninh, đã thực hiện mức thu 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em (thu trong 10 năm). Và dường như cũng không muốn mất chỗ trong “yến tiệc Yên Tử”, năm nay tỉnh hàng xóm Bắc Giang cũng khai mở tuần văn hóa du lịch “khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” với đủ lễ cung tiến tượng Phật đúc đồng nguyên khối, dát vàng, như pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tọa sen cao 110cm, nặng hơn 250kg, hay như tượng Pháp Loa và Huyền Quang hoành tráng không kém ...và tất nhiên hướng đi mới cũng cần có trạm “BOT” mới.
Hướng Đông từ phía Quảng Ninh có “BOT” hướng Đông, hướng Tây phía Bắc Giang tất phải có “BOT” hướng Tây, tựu trung đi 4 hướng, hướng nào cũng không thoát nỗi ám ảnh “BOT”.
Người ta so sánh giá 40.000 đồng/người ở hướng Đông thì khả dĩ có thể chấp nhận được vì còn có cơ hội thăm thú, vãn cảnh nơi này nơi kia, song ở hướng Tây lên đến “đỉnh” là chùa Đồng mà bằng giá thì quá đắt, khi biết rằng quãng đường từ phía Tây rất ngắn, chỉ bằng 1/4 quãng đường nếu đi từ phía Đông. Và câu chuyện bất hợp lý này cũng không có câu trả lời thỏa đáng khi trái banh “BOT cổng chùa” được đá qua đá lại giữa cơ quan quản lý văn hóa và địa phương. Bộ VH-TT-DL thì rằng bộ chỉ có thẩm quyền quản lý di tích quốc gia, còn thu phí lại là chuyện của địa phương có di tích; còn về phía địa phương có chung đường lên khu di tích thì cũng cười trừ: hiệp thương mức giá “BOT” hợp lý sẽ tính sau, cứ tạm thu vậy vì có thu vẫn hơn không có thu và sợ thất thu khi du khách có thể tỏa ra nơi khác bằng đường... tiểu ngạch.
Có thể thấy một thực tế ở nhiều địa phương là muốn tạo điểm nhấn với các công trình tâm linh đồ sộ, tốn kém, bất kể rằng đang còn phải sống bằng bầu sữa ngân sách và mức sống người dân còn khiêm tốn, như tỉnh Thái Nguyên phải họp khẩn để triển khai cho nhanh dự án hồ Núi Cốc có mức đầu tư tới 15.000 tỷ đồng, cho bằng anh bằng em. Và thật buồn cho một đất nước còn nghèo, với GDP đầu người chỉ khoảng 2.500USD, vẫn cứ “tự sướng” với những kỷ lục Guinness như chùa to nhất, tượng Phật lớn nhất..., những cái nhất không làm rạng danh cho đất nước thời công nghệ 4.0.
Điều đáng nói nữa là với các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư các khu du lịch tâm linh, liệu chúng ta có một cơ chế giám sát, minh bạch hóa các khoản thu chi và chính sách thuế phù hợp chưa? Hình như các cơ quan quản lý vẫn chỉ tin vào “lòng thành” của các phật tử - nhà đầu tư, như ông giám đốc Sở VH-TT Ninh Bình khi đề cập tới các khoản thu của “siêu chùa” Bái Đính đã từng nói thế này “con số cụ thể bao nhiêu, quản lý như thế nào và sử dụng ra sao chúng tôi cũng không nắm được”. Và cũng hơi lạ khi động đến tiền ở chốn linh thiêng thì người ta lại khó chịu “không biết, không nghe, không nói”, nhưng rồi người ta vẫn có thể tính được khoản ít nhất có thể thu được qua các con số chính thức. Theo Sở Du lịch Ninh Bình, năm 2018, khu du lịch Tràng An đón khoảng 7 triệu du khách trong và ngoài nước. Với giá vé khoảng 200.000 đồng/lượt cho người lớn và 100.000 đồng/lượt/trẻ em (đã bao gồm chi phí đi thuyền) tính sơ qua, doanh thu từ bán vé có thể đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Mà đấy chỉ là tiền bán vé và dễ hiểu tại sao người ta lại thích đầu tư vào “du lịch tâm linh” đến vậy!
Đành rằng mỗi người mỗi ý, người chọn chùa nhỏ cổ kính thì đi lễ chùa nhỏ, người thích chùa lớn có các pho tượng xi măng giả gỗ thì đi chùa lớn, nhưng vẫn thật đắng lòng khi so sánh được - mất của trào lưu tâm linh thời nay.Trong đó, cái mất có thể đo đếm được, như vàng mã mỗi năm đốt 5.000 tỷ đồng (theo một công trình nghiên cứu), cúng sao giải hạn cũng tròm trèm ngàn tỷ..., còn được - thì chỉ được niềm tin - một thứ ma túy ru ngủ về sự cầu lợi bản thân...
BÍCH AN