Cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” (ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi) được xem như “điểm hẹn” của nhiều học sinh, sinh viên trong nước cũng như bạn bè quốc tế vào thời điểm trước dịch Covid-19.
Hiện tại, quần thể làng thủ công truyền thống tại bến Bò Cạp này vẫn thu hút lượng du khách nội địa đáng kể với những hoạt động đều đặn của các làng nghề truyền thống, như dệt lụa tơ tằm, thổ cẩm, in khắc tranh… “Một Việt Nam thu nhỏ giữa lòng TPHCM rất đáng để tham quan, khám phá. Hai mẹ con mình đón taxi tới đây từ sớm, ngay khi khu du lịch vừa mở cửa. Con gái mình rất háo hức tìm hiểu quy trình trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Những kiến thức này nếu chỉ xem trên internet hoặc đọc qua sách vở sẽ không đủ, mà cần trải nghiệm thực tế”, chị Nguyễn Hải Yên, khách tham quan, ngụ tại Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chia sẻ.
Đến với địa đạo Củ Chi - cách Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” không xa, anh Lê Hùng Anh, ngụ tại Nguyễn Văn Quá (quận 12) vừa lau mồ hôi trên trán, vừa cho biết đã tự chạy xe máy tới đây, vì muốn có thời gian ngắm cảnh hai bên đường và hít thở không khí trong lành của vùng quê “đất thép”. “Dù đã tới đây không biết bao nhiêu lần, từ lúc còn là học sinh, đến khi học đại học, ra trường làm việc, nhưng tôi vẫn thấy yêu từng gốc cây, rặng tre… quen thuộc của khu địa đạo. Được nghe về những trận đánh hào hùng của quân và dân Củ Chi, giúp tôi thêm yêu và tự hào về quê hương của mình”, Lê Hùng Anh cho biết. Đáng chú ý, trong khu địa đạo còn có thêm mô hình tham quan, trải nghiệm cấy lúa, giã gạo, đan lát, thực hành nghề làm bánh tráng truyền thống Củ Chi… rất thu hút du khách.
Bé Lê Phương Vy, 10 tuổi (ngụ tại quận 1), tham quan địa đạo cùng gia đình, khá hào hứng với việc lội bùn, cấy lúa. Một số em nhỏ không phân biệt được cây lúa với cây cỏ nên đã tranh luận quyết liệt, khiến không khí tham quan thêm phần rộn ràng. “Cho bé đi chơi để tăng thêm trải nghiệm, mở rộng kiến thức, chứ ngoài giờ học tụi nhỏ chỉ ôm điện thoại, lên internet miết mình cũng lo”, mẹ bé Lê Phương Vy nói.
Liên kết cùng phát triển
Vừa qua, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với các hãng lữ hành (Saigontourist, Vietravel, Fiditour - Vietluxtour, TST Tourist…) triển khai hàng loạt sản phẩm tour như “Màu xanh và sức sống trên vùng đất thép” (huyện Củ Chi), gồm: tham quan các làng nghề làm bánh tráng, trồng rau, khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp thăm Địa đạo Củ Chi.
Hay như tour “Hoa nở trên xứ vàng trắng” với điểm nhấn là tìm hiểu nghề nuôi yến, thưởng thức yến sào đủ loại ngay tại điểm tham quan Khu bảo tồn đàn dơi Nghệ, trải nghiệm bắt cua, chèo thuyền kayak chinh phục biển rừng ngập mặn ở Cần Giờ… Tour “Thiềng Liềng - chốn bình yên” tìm hiểu về nghề làm muối của người dân Cần Giờ và tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng. Tour “Về làng ở đô thành”, mang lại những kiến thức về các đình làng hàng trăm tuổi ở Củ Chi, thăm trang trại nuôi bò sữa, nhà vườn nuôi cá Koi…
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu lựa chọn các điểm đến gần, thực sự cần thiết. Với các điểm đến sẵn có nêu trên, hiện tại các hãng lữ hành đã và đang tìm cách đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp ở TPHCM, để qua đó mở ra nhiều sự lựa chọn cho du khách.
Hiện nay, một số điểm tham quan có khách ghé nhiều như Trung tâm Sơ chế yến sào Việt Nam (huyện Cần Giờ); Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” (huyện Củ Chi); Nông trang xanh (Nguyễn Thị Rành, Củ Chi); Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (Củ Chi); Công viên cá Koi Nhật Bản Rinrin Park (Xuân Thới Đông, Hóc Môn)… Giá vé vào cổng khá mềm, nếu tính cả ăn uống dao động khoảng vài trăm ngàn đồng/người.
Ghi nhận thực tế tại các điểm tham quan du lịch nông nghiệp khu vực ngoại thành TPHCM dễ thấy, sản phẩm đã có nhưng chưa đủ hấp dẫn để kéo khách đi chơi nhiều. Ngoài ra, khách vắng còn có nguyên nhân do năng lực tiếp nhận khách tại điểm đến chưa đủ lớn, khu ăn uống, sinh hoạt, nhà vệ sinh… đều hạn chế. Chẳng hạn, ngay tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có làng nghề đan lát khá nổi tiếng với hàng trăm năm tuổi và đã có nhiều mặt hàng được bán ra nước ngoài, nhưng vẫn khó hút khách tham quan.
Sau một thời gian dài chống chọi với dịch Covid-19, du lịch nông nghiệp nói riêng, cả ngành du lịch TPHCM nói chung, đang dần khởi sắc. Tuy vậy, mảng du lịch nông nghiệp vẫn dừng lại ở mức tiềm năng, chứ chưa thực sự được khai thác sâu. Theo các doanh nghiệp, vướng mắc chính là thiếu sự quyết tâm trong việc giúp ngành du lịch nông nghiệp bứt phá, bao gồm nguồn kinh phí hỗ trợ người dân, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để cho ra sản phẩm thực sự thu hút khách. Trong bối cảnh hiện nay, để du lịch nông nghiệp thực sự phát triển, ngành du lịch TPHCM, các hãng lữ hành cũng như các cơ quan chuyên trách cần ngồi lại để tìm hướng ra cho sản phẩm đặc thù này.
Ông ĐỖ VIỆT HÀ, Phó Trưởng ban phụ trách Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP): Ông NGUYỄN MINH MẪN, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty Du lịch TST Tourist: Giữ lại không gian nông nghiệp TPHCM Tuy là trung tâm kinh tế, du lịch của cả nước, nhưng TPHCM chưa phát huy hết tiềm năng và khơi gợi được chính nhu cầu du lịch tại chỗ của người dân nội thị. Đó là lý do phải xây dựng hệ thống sản phẩm tour hấp dẫn, độc đáo và thú vị để biến những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, lối sống của người dân thành phố, hoạt động nông nghiệp thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Làn sóng đô thị đang phát triển mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, vì vậy việc giữ lại không gian nông nghiệp để cân bằng sinh thái đô thị, du lịch nông nghiệp là điều vô cùng cần thiết. Du lịch nông nghiệp phải thực sự thay đổi đời sống kinh tế của người dân thì đất mới không bị bỏ hoang, ruộng mới có cơ hội canh tác. Du lịch nông nghiệp giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề về sinh thái, việc làm, cung cấp lương thực, vì vậy sự ra đời của các tour nông nghiệp về nhiều khu vực TPHCM như: TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sự cố gắng triển khai các tour nông nghiệp công nghiệp cao (đi Củ Chi, khám phá TP Thủ Đức) chỉ mới là bước khai phá ban đầu. Hiện tại rất cần sự tham gia gắn kết của những người làm nông giỏi với các nhà khoa học để du lịch ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn, thú vị hơn nữa. Đặc biệt du lịch nông nghiệp còn gắn với đời sống của người làm nông. Cùng ăn, cùng ở, cùng sống với nông dân chắc chắn là điều rất thú vị và có tính giáo dục cao. T.HẢI - T.HỒNG thực hiện |