Con người giờ hiếm có thú vui khám phá các vì sao do bị ô nhiễm ánh sáng từ các loại đèn vào ban đêm. Để giúp mọi người khám phá những bí ẩn và vẻ đẹp lung linh của trời sao, một nhãn hiệu quốc tế đã được thành lập: Khu bảo tồn quốc tế trời sao (RICE). Đây là không gian mà ở đó có thể quan sát đến cả những tia lấp lánh nhỏ nhất của ánh sao từ bầu trời đêm(ảnh).
Kể từ khi thành lập nhãn hiệu RICE năm 2001, tính đến nay, trên thế giới có 13 vùng lãnh thổ đã được Hiệp hội Bầu trời đêm quốc tế (IDA - một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ) nâng hạng. Tại châu Âu, nhãn hiệu RICE được trao cho đỉnh Midi ở Bigorre (Pháp), tiếp đến là khu bảo tồn Cevennes (Pháp) và sắp tới đây, khu bảo tồn thiên nhiên Gantrisch ở Thụy Sĩ cũng sẽ được xếp hạng RICE.
Ý tưởng này do các nhà thiên văn học nghiệp dư và chuyên nghiệp đưa ra, được các chính phủ hưởng ứng. Ban đầu, các khu bảo tồn thường nằm xung quanh các đài quan sát thiên văn rồi dần mở rộng ra những điểm tham quan khác.
Mô hình này nằm trong xu hướng chung bảo vệ môi trường ban đêm và bảo tồn các di sản khoa học của nhiều dãy núi. Từ thế kỷ 19 cho đến cuối thế kỷ 20, những ngọn núi cao chỉ dành cho giới khoa học để lập các đài quan sát, phòng thí nghiệm mà vào thời ấy, chúng được xem như là những tác phẩm ngoại hạng, đầy vinh quang nhân danh sự tiến bộ. Nhưng từ khi nguồn hỗ trợ tài chính của các chính phủ giảm dần, những điểm khoa học này phải phát triển nhiều hoạt động khác như vui chơi, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học... để tồn tại và tiếp tục theo dõi sự màu nhiệm của bầu trời. Du khách cũng có thể quan sát động vật hoang dã hay đi bộ dã ngoại khi trời hừng sáng và ngắm cảnh mặt trời lên...