Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Tại diễn đàn, Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL ghi nhận những đóng góp tích cực của du lịch miền Trung - Tây nguyên đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Đây là địa bàn quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành; đại điện 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây nguyên, Hà Nội, TPHCM; một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội và cả doanh nghiệp du lịch, hàng không, đường sắt, các nhà đầu tư; các chuyên gia, các nhà khoa học...
Những năm gần đây, du lịch ở một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung - Tây Nguyên thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nội dung thảo luận tại diễn đàn tập trung vào các vấn đề: Yêu cầu phát triển du lịch miến Trung - Tây nguyên trong thời kỳ mới; Những chính sách đột phá trong phát triển du lịch miền Trung - Tây nguyên; Quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; Vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch miên Trung - Tây nguyên. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng trao đổi, thảo luận về hợp tác liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.
Kết quả sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp tạo ra sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động góp phần phát triển thương hiệu đẳng cấp cho du lịch miền Trung - Tây nguyên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, đóng góp quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hội thi trình diễn diều quốc tế trên bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) . Ảnh: NGUYÊN KHÔI
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: tiềm năng du lịch miền Trung - Tây nguyên vẫn còn lớn nhưng chưa được tận dụng tốt, nhiều cơ sở cho sự phát triển bền vững, định hướng đẳng cấp cao đã và đang bị xói lở như: rừng ở Tây Nguyên bị huỷ hoại, bờ biển miền Trung bị xói lở, di sản văn hóa hư hại, bản sắc văn hoá địa phương bị xói mòn... Bởi lẽ, mô hình kinh tế ở đây hướng tới khai thác cạn kiệt tài nguyên và các nguồn lực sẵn có; thi hành chiến lược Công nghiệp hóa theo hướng không định hướng công nghệ cao, chỉ tập trung phát triển các ngành công nghiệp "cổ điển", bỏ qua nguyên tắc lợi thế, bỏ rơi nông nghiệp và du lịch - dịch vụ. Bên cạnh đó, còn có quan điểm "Nhà nước làm du lịch".
Biển Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng chỉ ra cách phát triển du lịch Việt Nam là thiếu định hướng chiến lược hướng tới đẳng cấp cao một cách rõ rệt. Duy trì mô thức phát triển du lịch định hướng "sản lượng khách" quá lâu, kéo theo nhiều hệ luỵ. Chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh của du lịch Việt Nam như một tổng thể liên kết thương hiệu để định vị Việt Nam như một địa chỉ du lịch khác biệt và đẳng cấp. Phát triển du lịch theo lối truyền thống "mạnh ai nấy làm", cạnh tranh "gà nhà", "ăn xổi" và "cùng xuống đáy". Phân tán, manh mún, địa phương chủ nghĩa nên tranh chấp lợi ích, kiềm chế nhau ở tất cả các cấp độ.