Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo
Kon Tum có tiềm năng du lịch to lớn. Nhiều điểm du lịch nơi đây đã khẳng định được thương hiệu, thu hút khách du lịch. Đến Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi bắt gặp các tốp du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Khu tái định cư được xây dựng trên đồi, với nhiều căn nhà mọc san sát nhau. Những căn nhà này được thiết kế đẹp mắt, có view hướng ra đồi, giúp khách thưởng lãm toàn bộ cảnh đẹp núi rừng. Đặc biệt, từ khu tái định cư này, du khách có thể thỏa sức “săn mây”.
Tại đây, đoàn khách đi khắp làng tham quan. Họ vui vẻ chụp ảnh, gương mặt luôn rạng rỡ với nụ cười thích thú. Họ cho biết, vì nghe Tu Thó là nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan đẹp nên cùng nhau lên chiêm ngưỡng, nghỉ dưỡng.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, vừa qua, Làng tái định cư Tu Thó được huyện lựa chọn là nơi tổ chức Hội thi Ẩm thực quốc tế. Đây cũng là nơi được nhiều du khách chọn tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, săn mây.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, huyện có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Đó là những khu rừng nguyên sinh rộng lớn; đỉnh Ngọc Linh và Ngok Kal hùng vỹ, mát lạnh quanh năm, đang được người dân trồng quốc bảo sâm Ngọc Linh; những thác nước tuyệt đẹp; nền văn hóa đồng bào Xơ Đăng đặc sắc.
Nhờ tiềm năng, thế mạnh, huyện đã xây dựng được đặc sản du lịch độc đáo là Du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới. Đây là một trong những đặc sản du lịch được du khách yêu mến.
Với đặc sản này, du khách sẽ được tận mắt ngắm những cây sâm quý hiếm mọc giữa đỉnh Ngọc Linh, còn được tự tay hái, nhổ, mua những cây sâm chính hiệu để bồi dưỡng sức khỏe. Còn đồng bào Xơ Đăng được bán sâm, tăng thu nhập.
Để khai thác tiềm năng du lịch, ngoài việc cử người dân xuống TPHCM học kỹ năng phục vụ du lịch, địa phương cũng kêu gọi doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư; xúc tiến xây dựng các tour du lịch đến địa bàn. Thực tế, đã có doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư du lịch. Địa phương sẽ hỗ trợ tối đa các thủ tục để doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn
- ông Võ Trung Mạnh cho biết.
Nếu như Tu Mơ Rông là điểm đến còn mới mẻ, thì Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông) là điểm đến đã khẳng định được thương hiệu, được du khách tín nhiệm chọn là nơi để nghỉ dưỡng.
Đến Khu du lịch sinh thái Măng Đen thời điểm này, chúng tôi bắt gặp những cánh rừng thông xanh ngắt tuyệt đẹp nằm dọc 2 bên đường. Du khách tập trung ở Thác Pa Sỹ, Khu 36 hộ, Làng Kon Bring, Hồ Đăk Ke, Khu vườn tượng gỗ, Chợ phiên Măng Đen, Vườn Nghệ thuật Măng Đen. Không khí mát mẻ, trong lành mang lại cho du khách cảm giác bình yên.
Đặc biệt, đến mùa, du khách sẽ được đắm mình trong những vườn hoa anh đào khoe sắc. Năm 2023, Khu du lịch Măng Đen đón hơn 1 triệu lượt khách. Huyện Kon Plông phấn đấu trồng được 1 triệu cây hoa anh đào, đưa Măng Đen thành nơi nhiều hoa anh đào nhất cả nước.
Thu hút nhà đầu tư có tiềm lực lớn
Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tập trung hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng và có tính hệ thống; định vị rõ nét hình ảnh các dòng sản phẩm du lịch của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa - lịch sử.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch Măng Đen và Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tạo điểm nhấn quan trọng, làm nền tảng phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Đến năm 2030, tập trung xác định hệ thống các loại hình, sản phẩm du lịch chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự khác biệt và chất lượng dịch vụ; hoàn thiện và phát triển bền vững 5 sản phẩm du lịch chính trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch đã hình thành từ giai đoạn 2011-2020, gồm du lịch sinh thái; du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề…
Đồng thời, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Đề án phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có nhiệm vụ là tổ chức lại không gian phát triển du lịch theo 4 khu vực; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng chất lượng dịch vụ du lịch.
Định hướng đầu tư là ưu tiên các dự án vui chơi, giải trí cao cấp, khu phức hợp du lịch, các giải thi đấu thể thao, dự án phát triển du lịch cộng đồng ở TP Kon Tum và huyện Kon Plông; xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.
Đầu tư phát triển các điểm du lịch tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Rừng Đặc dụng Đắk Uy, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh...
Đề án cũng nêu rõ giải pháp đẩy mạnh thu hút thị trường, xúc tiến quảng bá.
Trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào tỉnh để góp phần nâng cao và phát triển đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Kon Tum.
Cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung mời gọi đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi, giải trí cao cấp.