Sự kiện do Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch TP Đà Nẵng phối hợp Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức.
Tham dự buổi Tọa đàm có ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch VN, ông Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng cùng các lãnh đạo thành phố, Quỹ XTPTDL, HHDL TP Đà Nẵng cùng đại diện các cơ quan ban ngành của thành phố Đà Nẵng. Hơn 50 đại diện doanh nghiệp, các hãng hàng không và các tập đoàn như Sun Group, Vingroup, Hòa Bình, DHC, Silver Shores cùng góp mặt tại Tọa đàm. Tọa đàm được livestream trực tiếp trên facebook Danang FantastiCity.
Du lịch về đêm hứa hẹn là giải pháp trọng điểm
Tại Tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ XTPTDL TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, tính đến tháng 2/2021, tại Đà Nẵng, đã có 50,2% khách sạn, gần 39% DN lữ hành, 100% khu điểm du lịch, 37% DN vận chuyển du lịch và gần 52% tàu du lịch đã hoạt động trở lại. Trong đó, chỉ có 6,6% DN lữ hành hoạt động bình thường.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cũng như lãnh đạo TP có giải pháp giảm các khoản thuế, giãn các khoản đóng và phạt nộp chậm BHXH cho các DN du lịch trên địa bàn, hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp, khóa học đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho lao động ngành khách sạn, hướng dẫn viên, lữ hành, vận chuyển, lao động thất nghiệp…
Góp ý tại Tọa đàm, bà Hồ Nguyễn Phương Chi – Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo UBND thành phố xem xét cấp 10.000 voucher, trị giá 500.000 đồng/voucher (với tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng) để phát trước tiên cho người Đà Nẵng, những người có đóng góp cho thành phố như ngành y tế, công an.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Vùng miền Trung bày tỏ nguyện vọng lãnh đạo TP đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới, coi đây là giải pháp trọng điểm để phục hồi và phát triển du lịch Đà Nẵng. Với hệ sinh thái du lịch chất lượng và đẳng cấp trên địa bàn, cùng những gói sản phẩm về đêm hấp dẫn, Sun Group cam kết luôn đồng hành cùng thành phố tìm kiếm các giải pháp khôi phục du lịch và phát triển kinh tế đêm.
Nhằm kéo khách về thành phố, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay Sở Du lịch đã thực hiện loạt hoạt động truyền thông, đưa tin về cuộc sống đời thường của người dân, mời KOL trải nghiệm dịch vụ du lịch để chứng minh Đà Nẵng đã an toàn.
Hiến kế cho du lịch Đà Nẵng, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng cần kích cầu du lịch nội địa vì thị trường nội địa còn dư địa rất lớn, sẽ là cứu cánh cho ngành du lịch. Tuy nhiên, ông Chung cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đã có vaccine ngừa Covid-19, chúng ta cần xây dựng kế hoạch mở lại thị trường quốc tế, tránh tình trạng chậm chân so với các nước lân cận như Thái Lan, Singapore”.
Cần chủ động thay đổi, làm mới
Ngay tại Tọa đàm, lãnh đạo thành phố đã giải đáp thắc mắc và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, tìm hướng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, đưa hoạt động du lịch Đà Nẵng khởi sắc trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, đây là thời điểm thành phố phải chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón đầu làn sóng khách du lịch trong, ngoài nước ngay khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.
Về ý kiến đề xuất cấp 10.000 voucher, trị giá 500.000 đồng/voucher của bà Hồ Nguyễn Phương Chi, lãnh đạo thành phố cũng đồng ý về nguyên tắc trích từ ngân sách thành phố để triển khai chương trình này nhằm tri ân cho đội ngũ y bác sĩ, công an, bộ đội TP Đà Nẵng và các tỉnh thành đã hỗ trợ chống dịch năm 2021 và giao cho Sở Du lịch đề xuất cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện cho họ được trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố.
Bí thư Đà Nẵng cũng yêu cầu các DN du lịch phải đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng thời tự cứu mình bằng cách thay đổi phương thức tiếp cận nguồn khách, duy trì việc đào tạo nguồn nhân lực. Về quy hoạch thành phố, ông Quảng nói thêm, Đà Nẵng đang chủ trương làm việc với các nhà đầu tư có uy tín để chỉnh trang lại toàn bộ sông Hàn. Trong đó, sẽ xây dựng Đề án “Sông Hàn về đêm” bao gồm tổ hợp hệ thống ánh sáng của các cây cầu và dọc 2 bờ sông nhằm tạo nên sự đồng bộ, tích hợp điều kiện chung để tạo ra hoạt động ánh sáng về đêm.