Cơ cấu lại ngành du lịch
PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, dịch Covid-19 vừa là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho Đà Nẵng thêm thời gian để cơ cấu lại ngành du lịch để đảm bảo hạn chế nhất các tác động tiêu cực từ những bất hợp lý về cơ cấu du lịch Đà Nẵng tồn tại trong thời gian qua.
Cụ thể, điều chỉnh cơ cấu khách từ Hàn Quốc, Trung quốc và bổ sung thị trường Đài Loan cần theo 2 hướng.
Thứ nhất, đảm bảo lượng khách từ 2 thị trường này không chiếm tỷ lệ mang tính “chi phối” để hạn chế những rủi ro khi xảy ra khủng hoảng làm lượng khách giảm đột ngột.
Thứ hai, đảm bảo tính hiệu quả với việc tập trung khai thác các phân khúc cao cấp có nhu cầu sản phẩm du lịch phù hợp với khả năng “cung” của Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng cần đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường xa, song có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như: Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Nga, Ấn Độ, Trung Đông.
“Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc không chỉ tiềm ẩn nguyên cơ khủng hoảng nguồn khách quốc tế mà còn làm suy giảm những thị trường du lịch trọng điểm có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày”, PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết.
Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đến Đà Nẵng trong giai đoạn 2016-2019 đạt 16,73%, tăng 3,67 điểm phần trăm so với chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 16-5-2016 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố (13,06%). Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6%, tăng 5,5 điểm phần trăm (chỉ tiêu là 19,1%). Đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố hằng năm đều tăng và chiếm tỷ trọng lớn. |
Đến năm 2025, cơ cấu du lịch Đà Nẵng được điều chỉnh theo 4 lĩnh vực cơ bản, chú trọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về lượng khách phù hợp cơ cấu lại thị trường để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu về thu nhập du lịch, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của thành phố. Phấn đấu đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là: 50,0% - 50,0%. Cơ cấu thị trường quốc tế là: Châu Âu - Bắc Mỹ là 20,0%, Đông Bắc Á là 57,0%; Đông Nam Á (gồm ASEAN và Úc, New Zealand) là 20,0%; và thị trường khác (Trung Đông, Nga,…) là 3,0%.
Điều chỉnh lại khoảng 60% tổ chức lãnh thổ du lịch thành phố trên quan điểm và nội dung cơ cấu lại theo lãnh thổ. Đến năm 2030, sẽ hoàn thành việc cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng.
Về thị trường, đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là: 45,0% - 55,0%. Cơ cấu lại 100% lãnh thổ.
Về cơ cấu ngành du lịch theo lãnh thổ, ông Lê Đức Viên, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho rằng, việc khai thác có hiệu quả vị thế địa lý và tiềm năng tài nguyên du lịch sẽ giảm tải áp lực du lịch lên hạ tầng xã hội, tài nguyên và môi trường du lịch góp phần phát triển du lịch bền vững. Trong đó, Đà Nẵng cần tổ chức lại không gian du lịch của thành phố theo hướng mở rộng về phía Tây, cấu trúc lại các “không gian chức năng” thuộc địa bàn trọng điểm du lịch biển. Đối với không gian du lịch biển, cần định hướng ưu tiên phát triển Vịnh Đà Nẵng, và tiếp đến là trục ven biển Thọ Quang, Mỹ Khê, Non Nước. Đây được xác định là địa bàn trọng điểm du lịch của Đà Nẵng có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển du lịch Đà Nẵng với tư cách là một đô thị biển.
Đà Nẵng là điểm đến hết sức hấp dẫn, có sức thu hút với tất cả du khách. Tuy nhiên, nằm trong xu hướng tái cấu trúc, khai thác bền vững hơn các vùng khác thì nhu cầu thúc đẩy kinh tế đêm là nhu cầu hết sức bức thiết.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng có nền tảng tốt, là đô thị văn minh, thân thiện, đẹp và an toàn, là địa chỉ du lịch có tên tuổi quốc tế. Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ mới đáng sống ban ngày bởi các hoạt động kinh tế đêm thực chất là kéo dài đến 21-22 giờ mà theo luật các địa điểm phải đóng cửa lúc 24 giờ hoặc đến 2 giờ hôm sau.
Về nguyên nhân, theo ông Thiên, với tập quán văn hóa và đạo đức cổ truyền, hoạt động ban đêm vẫn coi là mờ ám và tội lỗi. Đa phần người dân hiểu về kinh tế ban đêm nghèo nàn, quy về “ăn nhậu ban đêm”; thiếu hệ thống bảo đảm an toàn.
“Đà Nẵng cần xác định kinh tế đêm là một nền kinh tế tức phải có cơ chế vận hành khác, nguồn lực khác, luật lệ khác để điều tiết chứ không phải chuyển sang từ ban ngày”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.
Ước tính nguồn vốn đầu tư công cho phát triển du lịch và cho cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục vụ du lịch trong giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư cho du lịch thành phố ước tính hơn 76 ngàn tỷ đồng (trong đó: đầu tư nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng 3.500 tỷ đồng; cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ước 65.000 tỷ đồng; khu điểm du lịch ước 10.000 tỷ đồng; tàu du lịch ước 123 tỷ đồng; đội xe vận chuyển khoảng trên 3.000 tỷ đồng và cơ sở dịch vụ khác phục vụ du lịch...). |
Phục hồi du lịch an toàn, chậm mà chắc
Trong 4 tháng cuối năm 2020, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện một số kế hoạch sau.
Cụ thể, từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10-2020, đơn vị sẽ thực hiện kế hoạch truyền thông “Danang miss you” (Đà Nẵng nhớ bạn). Đơn vị phối hợp với ca nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý thực hiện movie du lịch "Danang miss you", phối hợp với KOLS, blogger du lịch truyền thông trên trang cá nhân, thực hiện postcard "Cùng Danang Fantasticity nhắn gửi yêu thương", …
Theo bà Hạnh, các đơn vị sẽ được hướng dẫn, cam kết về phòng chống dịch Covid-19, đánh giá nguy lây nhiễm, tập huấn quy trình phục vụ khách trong trạng thái bình thường mới,... Mỗi cơ sở sẽ tự xây dựng phương án phòng chống dịch Covid-10 để phục vụ du lịch đồng thời xây dựng bộ phận giám sát về công tác này.
“Sở Du lịch tăng cường hỗ trợ truyền thông điểm đến đối với đơn vị du lịch. Với chương trình kích cầu, chúng tôi là đầu mối kết nối các cơ sở cung cấp dịch vụ để xây dựng những gói sản phẩm phù hợp. Đồng thời, Sở triển khai buổi chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo hiểu ứng đồng bộ về phòng chống dịch, nâng cao chất lượng về sản phẩm mới để sẵn sàng đón khách quay trở lại”, bà Hạnh chia sẻ.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, du lịch an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu mà những người làm du lịch luôn quan tâm. Môi trường du lịch có an toàn thì du khách mới yên tâm về điểm đến, sẵn sàng cho các chuyến du ngoạn, khám phá. So với những thời điểm khác, du khách đến Đà Nẵng sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn như môi trường sạch sẽ, thông thoáng; giá cả phải chăng; hệ thống dịch vụ chu đáo;....
Đà Nẵng còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng vì tâm lý e ngại thành phố này từng là “tâm dịch” nhưng ở thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã sẵn sàng chào đón du khách quay trở lại trong tâm thế chậm mà chắc, với thông điệp là một điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Trong 5 năm qua, một trong những điểm nhấn hiệu quả đạt được qua việc thực hiện đột phá phát triển ngành du lịch phải kể đến đó là quan điểm và sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch. Cụ thể, trên cơ sở quan điểm định hướng phát triển Đà Nẵng tại Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (VIII) về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, liên tục từ hơn 15 năm qua, các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có quyết tâm và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển du lịch thành phố gắn với tài nguyên, lợi thế của Đà Nẵng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ; hỗ trợ, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư hình thành hệ thống cơ sở vật chất, điểm tham quan, vui chơi giải trí phục vụ du lịch nhằm đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, những năm gần đây, với nhiều chủ trương và chính sách lớn về du lịch được ban hành như Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, du lịch Đà Nẵng đã có thêm động lực và điều kiện mới để phát triển. Theo đó, quan điểm chỉ đạo của TP Đà Nẵng trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển du lịch thành 1 trong 3 trụ cột chính của thành phố. Đồng thời, có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng |