Theo giới chuyên gia về du lịch châu Âu, du lịch bền vững là hình thức du lịch mới thay thế cho hình thức du lịch trước đây, theo đó đảm bảo thực hiện hoạt động du lịch có tính tới các yếu tố tác động về kinh tế, xã hội, môi trường cả hiện tại lẫn tương lai, bằng cách đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nhu cầu về nghề nghiệp, môi trường và cộng đồng địa phương (nơi tiếp nhận khách du lịch). Mục đích của du lịch bền vững là đảm bảo sự cân bằng giữa 3 yếu tố chính phát triển bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường) trong sản xuất và thực hiện hoạt động du lịch.
Trong số các nước châu Âu, Đan Mạch đã có bước đi thực hiện ý tưởng du lịch bền vững từ rất sớm. Từ năm 1994, một nhóm gồm nhiều chuyên gia bảo vệ môi trường và du lịch tại Đan Mạch đã phát động chương trình du lịch mang tên “Chìa khóa xanh” (Green Key), với ý tưởng ban đầu là cho ra đời một nhãn hiệu chứng nhận cho các cơ sở lưu trú tuân thủ các điều kiện về du lịch bền vững. Để đạt được nhãn hiệu Green Key, các cơ sở lưu trú phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí đặt ra, từ hạn chế tiêu thụ điện và nước, tới việc sử dụng các sản phẩm tuân thủ môi trường, sang việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương và di chuyển không ảnh hưởng tới môi trường, giảm thiểu và phân loại rác thải…
Đáng chú ý là sau thời gian được triển khai tại Đan Mạch, hiện mô hình Green Key đã trở thành nhãn hiệu danh giá của 2.700 cơ sở lưu trú du lịch (nhà nghỉ, khách sạn...) tại 56 quốc gia trên thế giới. Tính riêng tại Bỉ, đã có 239 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn Green Key gồm 136 cơ sở tại vùng Flanders, 69 tại Wallonie và 34 tại Brussels.
Tiết kiệm nước, sử dụng chất tẩy rửa sinh học, sử dụng xe đạp trong tham quan thành phố là xu hướng mà các nhà nghỉ và khách sạn tại thủ đô Brussels của Bỉ đang hướng tới. Theo các nhà quản lý du lịch của thành phố Brussels, hiện tại thành phố có 34 cơ sở lưu trú đạt nhãn hiệu Green Key. Đây là bước đi đáng khích lệ trong vấn đề bảo vệ môi trường tại thành phố được mệnh danh là trái tim của châu Âu này. Anh Bob André, chủ nhà nghỉ Bed and Breakfast tại Scharebeek đạt tiêu chuẩn Green Key, cho biết, du khách đến đây đều được mời thưởng thức mứt, bánh mì do chính gia đình anh làm và phô mai Bỉ. Anh Bob André nhận xét, các tiêu chí của Green Key trên thực tế rất hợp lý và thuận tự nhiên, nên cơ sở của anh tự nguyện tuân thủ các tiêu chí này.
Bà Marie Spaey, nhân viên phụ trách xúc tiến nhãn hiệu Green Key tại vùng Wallonie và Brussels, cho biết, trước đây người ta vẫn nghĩ du lịch xanh chỉ phát triển tại các vùng nông thôn, nhưng vẫn có khả năng phát triển du lịch bền vững tại khu vực đô thị thông qua việc quảng bá rộng rãi mô hình này. Cũng theo bà Marie Spaey, kết quả các cuộc điều tra ở quy mô châu Âu cho thấy có đến 60% khách du lịch muốn sử dụng các sản phẩm du lịch bền vững và trong thời gian tới loại hình du lịch này sẽ tiếp tục phát triển.