Du lịch Bạc Liêu ngày càng khởi sắc

Thời gian qua, du lịch Bạc Liêu có nhiều khởi sắc, từng bước khẳng định vai trò là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà.
Sản phẩm du lịch xanh - tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển
Sản phẩm du lịch xanh - tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển

6 tháng đầu năm 2023, du lịch Bạc Liêu đã đón khoảng 2,76 triệu lượt khách (khách quốc tế đạt khoảng 66.400 lượt), đạt 69% kế hoạch (chỉ tiêu 3,95 triệu), tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1,1 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 2.440 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch (chỉ tiêu là 3.550 tỷ đồng), tăng 43% so với cùng kỳ.

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết, từ khi có Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XV về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, du lịch được quan tâm chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt; ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; từng bước khẳng định vai trò là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hàng năm, lượng khách tăng trung bình 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình 20%.

Nói về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, bà Trần Thị Lan Phương chia sẻ: Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn, chất lượng cao. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu trên thị trường du lịch, như sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh - tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao.

Cũng theo bà Trần Thị Lan Phương, tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch tại Hà Nội, TPHCM và các thị trường du lịch trọng điểm của cả nước, cũng như xúc tiến du lịch ở một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh, phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và các tỉnh, thành phố để xúc tiến, quảng bá du lịch Bạc Liêu; khai thác và phát huy mạnh mẽ các kênh truyền thông nhằm tạo sự đột phá trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…

Tin cùng chuyên mục