Động lực mới từ các dự án giao thông kết nối
Sở hữu nhiều bãi tắm đẹp nên từ lâu, Vũng Tàu đã được xem là thủ phủ du lịch biển của miền Nam là điều gần như không tranh cãi. Tuy nhiên, ngày nay, việc chậm trễ trong phát triển giao thông kết nối cùng sự thiếu vắng sản phẩm đặc trưng đang khiến ánh sáng của ngôi sao phía Đông dường như bị mờ đi trên bản đồ du lịch. Điều này thấy rõ khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được khánh thành, một lượng lớn du khách đổ về các tỉnh, thành khác có biển thay vì đi Vũng Tàu hay Xuyên Mộc. Nguyên nhân rất rõ ràng, tắc nghẽn trên Quốc lộ 51 khiến thời gian đi lại của du khách không thấp hơn thời gian đi thẳng đến Phan Thiết (Bình Thuận).
Hiện nay, ngoài đường bộ, du khách có thể đến Bà Rịa – Vũng Tàu bằng đường thủy, với các chuyến tàu cánh ngầm từ bến Bạch Đằng, tuyến phà từ Cần Giờ (TPHCM). Thế nhưng, quy mô hoạt động của các tuyến này nhỏ và chưa thực sự thuận tiện nên lượng khách đi không nhiều. Còn với đường hàng không, chủ yếu khách đi Côn Đảo nhưng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn.
Theo các chuyên gia đầu ngành, trong tương lai gần, kết nối du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu được kỳ vọng vào sân bay Long Thành và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Thay cho việc đáp xuống Tân Sơn Nhất và đi qua các khu trung tâm TPHCM đông đúc để đến Vũng Tàu, thì khi xuống sân bay Long Thành, du khách có thể đến thẳng phố biển qua cao tốc đang được xây dựng. Giao thông thuận lợi sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, nhà hàng, khách sạn, và nhiều dịch vụ vui chơi giải trí. Qua đó, thời gian lưu trú, tham quan trải nghiệm và mức chi tiêu của du khách cũng sẽ nâng lên. Bên cạnh đó là các tuyến vành đai 3 và 4, cầu Phước An, tuyến đường ven Vũng Tàu – Bình Châu đang được triển khai, hứa hẹn mở ra một tương lai phát triển rực rỡ cho du lịch biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hướng đến trung tâm du lịch chất lượng cao
Đánh giá chung du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua gần như chỉ ở mức đại trà và đã chạm đến ngưỡng. Vì vậy, định hướng phát triển các loại hình du lịch cao cấp là hướng đi phù hợp để khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của tỉnh. Hiện nay, có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều khu resort cao cấp dọc theo tuyến đường ven biển kéo dài từ đèo Nước Ngọt (huyện Long Điền) đến Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Còn tại TP Vũng Tàu, “trái tim” du lịch phố biển, nơi được định hướng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế thì địa phương đang tích cực kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, thương mại, dịch vụ lớn như: khu phức hợp Mũi Nghinh Phong; dự án thương mại - du lịch cao cấp tại khu đất chợ du lịch Vũng Tàu; dự án thương mại - du lịch khu 4ha phường Thắng Tam. Trung tâm TP Vũng Tàu sẽ trở thành thành phố du lịch biển với những loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí về đêm, thể thao biển và du lịch hội nghị – hội thảo.
Đây là những định hướng quan trọng để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của Việt Nam, vươn tầm đẳng cấp quốc tế, là trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới. Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đô thị của tỉnh được phát triển theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, đến năm 2025, sẽ có 13 đô thị, trong đó ngoài 10 đô thị hiện có, sẽ bổ sung thêm 3 đô thị, gồm Bình Châu và Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) và đô thị sinh thái biển đảo (huyện Côn Đảo). Các đô thị mới này đều giáp biển hoặc trên biển. Đến năm 2030, sẽ có thêm Hồ Tràm và Lộc An – cũng là các đô thị biển được bổ sung vào nhóm đô thị loại V. Tầm nhìn sau năm 2030, sẽ hình thành trục động lực kinh tế du lịch biển dọc theo tuyến đường ven biển ĐT994 với vành đai đô thị du lịch biển hoàn chỉnh gồm Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Lộc An – Hồ Tràm – Bình Châu.
Tuy nhiên, để đạt được tầm nhìn đó, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm trong giai đoạn tới bao gồm: tăng cường đầu tư hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, đường ven biển; thu hút đầu tư cho hạ tầng các điểm đến như khách sạn, các tổ hợp resort đẳng cấp, nhà hàng; đầu tư mới và liên tục nâng cấp, đổi mới các khu vui chơi, giải trí hấp dẫn, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng và đặc biệt là phải cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, tài nguyên biển.
Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2024, ngành du lịch của tỉnh đón và phục vụ hơn 16 triệu lượt khách, tăng 13,11% so với năm ngoái, trong đó, khách lưu trú hơn 4,9 triệu lượt, tăng 11,03%. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 17.313 tỷ đồng, tăng 14,57% và riêng doanh thu dịch vụ lưu trú là 6.240 tỷ đồng, tăng 13,12%.