Sách gồm 5 chương, giới thiệu tổng quan tình hình tư liệu và định hướng nghiên cứu biển đảo Việt Nam; những tiền đề ý thức chủ quyền, cơ sở văn hóa - xã hội của sự hình thành du ký các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; quá trình phát triển thể tài du ký và ý thức chủ quyền các vùng biển đảo Việt Nam; phương diện lịch sử, văn hóa, xã hội và du lịch trong du ký biển đảo Việt Nam, vai trò chủ thể tác giả, đặc tính hỗn dung thể loại và giá trị sử liệu của du ký các vùng biển đảo Việt Nam cùng giai đoạn.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam nhận được mối quan tâm sâu rộng trên nhiều trang báo khác nhau. Một mặt, báo chí đương thời trực tiếp thông tin, bình luận và nêu kiến nghị, giải pháp trước các hiện tượng, sự kiện cụ thể, mặt khác nhấn mạnh vai trò nguồn sử liệu, chứng cứ từ quá khứ đến hiện tại liên quan đến Biển Đông. Đến nay, các nguồn tin trên báo chí tiếng Việt và tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật đã trở thành nguồn sử liệu quan trọng trong nhận thức, hoạt động nghiên cứu và hồ sơ chứng cứ pháp lý về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.