Trước đó, nghiên cứu của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica đưa ra ba đoạn lựa chọn thí điểm: Ngọc Hồi – Phủ Lý (phía Bắc), Thủ Thiêm - Long Thành (phía Nam) và Huế – Đà Nẵng. Trong đó, Jica nghiêng về phương án chọn đoạn Hà Nội – Phủ Lý (dài 40km). Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại chọn đoạn Thủ Thiêm - Long Thành dài 30km để đầu tư trước. Phương án này cũng được UBND tỉnh Đồng Nai đồng thuận để phù hợp với dự án sân bay Long Thành được xây dựng cùng thời điểm.
Theo TEDI, việc phân kỳ đầu tư dựa trên cơ sở quy mô dự án và lộ trình huy động nguồn lực. Sau khi xây dựng đoạn thí điểm Thủ Thiêm - Long Thành, 2 đoạn tuyến sẽ được ưu tiên đầu tư là Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2032. Các đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2040 - 2045.
Dự án có tổng chiều dài 1.545km, gồm 23 ga, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,33 triệu tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 45.243 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 992.631 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) kết hợp với vốn Nhà nước. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố, điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại TPHCM, được xây dựng theo tiêu chuẩn khổ đường đôi, điện - khí - hóa với tốc độ khai thác tối đa 320km/h, tốc độ thiết kế 350km/h.
Dự kiến tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: - Tháng 11-2018: Chủ đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. - Tháng 12-2018 đến tháng 8-2019: Đồng Thẩm định Nhà nước, Chính phủ thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. - Tháng 8 đến tháng 10-2019: Quốc hội kiểm tra thực địa, thẩm tra; trình Quốc hội thông qua. |