Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: QUANG PHÚC |
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội sáng 26-10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Quang cảnh phiên họp |
Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai nhằm quản lý chặt chẽ việc khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất và phòng, chống tác hại do việc khai thác nước dưới đất không kiểm soát gây ra. Thời điểm có hiệu lực của quy định này từ ngày 1-7-2026, tức là 2 năm sau khi Luật có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính khả thi.
“Chính phủ đồng thuận về quan điểm chính sách với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã bổ sung báo cáo đánh giá tác động về nội dung này kèm theo báo cáo số 576/BC-CP”, ông Lê Quang Huy cho biết.
ĐB Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) |
Tán thành các quy định theo hướng quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, đại biểu (ĐB) Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) nhận xét, trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ ngày càng thiếu hụt không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì việc bổ sung đối tượng phải kê khai, đăng ký khai thác tài nguyên nước là phù hợp.
ĐB cũng đồng tình với quy định lộ trình thực hiện việc kê khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích sinh hoạt được thực hiện từ ngày 1-7-2026. Bên cạnh đó, theo nữ ĐB, việc cấp phép tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng là cần thiết để góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) |
Là ĐB của một tỉnh gặp nhiều khó khăn về nguồn nước, ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước. Đây là điều kiện không thể thiếu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) |
Có cùng mối quan tâm về ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị chú trọng nghiên cứu giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.
Ông cũng cho rằng quy định ưu tiên đầu tư xây dựng công trình tích trữ và kết hợp bổ sung nhân tạo các tầng chứa nước ngầm là cần thiết và phù hợp để thu hút các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại những vùng thiếu nước, các vùng có mực nước ở dưới đất bị suy giảm liên tục…
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) |
Trong khi đó, quan tâm đến nguồn nước mặt, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) đề nghị tăng cường vai trò của cơ quan quản lý lưu vực sông theo hướng quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này, đặc biệt là các chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch điều hòa, khai thác, sử dụng nước, giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái... Đồng thời, cần phân định rõ hơn giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác sử dụng nước trong các lưu vực sông.