Theo đó, hàng ngày, mỗi em học sinh mang tối thiểu 1 hộp sữa tới trường để uống, nếu thu gom mỗi em 1 hộp/ngày mỗi tháng sẽ thu gom 10 tấn vỏ hộp sữa. Đây là con số lớn góp phần vào công tác phân loại và tái chế chất thải rắn (CTR), góp phần giảm lượng CTR xử lý tại bãi rác Khánh Sơn.
Vỏ hộp sữa hằng ngày sau khi xử lý sơ bộ sẽ được tập kết tại trường, đóng gói cẩn thận theo đúng yêu cầu của đơn vị thu gom. Đối với các trường có khối lượng vỏ hộp sữa thu hồi lớn hơn 50kg/tuần thì được thu gom trực tiếp tại trường vào giờ cố định cuối tuần. Đối với các trường hoặc cơ sở nhóm trẻ độc lập tư thục có lượng vỏ hộp sữa thu hồi không đáng kể (< 50 kg/tuần) thì nhà trường chủ động mang đến địa điểm tập kết chung do Công ty Cổ phần Môi trường Đà Nẵng quyết định vào cuối tuần để được thu gom.
Việc thu gom lượng hộp sữa đã tập kết phải được bố trí, sắp xếp vào cuối tuần (Thứ 7, Chủ nhật) để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà trường và hạn chế ảnh hưởng từ hoạt động giao thông công cộng, đặc biệt là những trường ở trung tâm thành phố.
Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho rằng, mô hình này bước đầu giáo dục kiến thức cho trẻ về CTR và tầm quan trọng của rác tài nguyên; nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng của cán bộ, nhân viên trong các trường học về phân loại rác tại nguồn, thu hồi và tái chế rác tài nguyên, từng bước lan tỏa ra cộng đồng góp phần đẩy mạnh hoạt động phân loại tái chế trong cộng đồng dân cư.
Đồng thời, ông đề nghị trong kế hoạch cần làm rõ phạm vi thời gian và phạm vi không gian, vừa khảo sát hiện trạng vừa xây dựng quy trình thu gom cho cụ thể hơn về sơ đồ mạng lưới thu gom, tập kết.
Mô hình thu gom vỏ hộp sữa sẽ triển khai tại 300 trường mầm non và nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thời gian thực hiện từ tháng 9-2020 đến 8-2021.
Theo kế hoạch, đến tháng 7-2020, hoàn thành việc khảo sát về khối lượng, thành phần, phí thu gom CTR từ 300 trường. Đến tháng 8-2020, sẽ hoàn thành việc thiết kế và lắp đặt pa-nô, áp phích truyền thông tại các cơ sở trường học; chuẩn bị các sổ tay, tài liệu hướng dẫn cụ thể phân loại và tập kết vỏ hộp sữa; trang bị các dụng cụ, vật tư tại các trường học và địa điểm tập kết đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường trong quá trình phân loại và tập kết hộp sữa.