Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết, tình hình thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 75%. Từ đây đến cuối năm, để tăng nguồn thu TPHCM có thể đẩy nhanh đấu giá nhà, đất trên địa bàn, ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng.
Chiều 19-10, UBND TPHCM họp trực tuyến với TP Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và đồng chí Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG Khẩn trương kết luận các vụ án tham nhũng, kinh tế
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, qua 9 tháng đầu năm 2021 TPHCM vẫn giữ vững, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự. Từ đây đến cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tiếp tục tập trung rà soát, thực hiện tốt công tác này. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tiếp công dân khi thời gian qua dịch bệnh đã làm gián đoạn việc này, đồng thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và một số việc theo kết luận của thanh tra.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Công an TPHCM phải có dự báo về phòng chống tội phạm từ đây đến cuối năm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tình hình tội phạm có giảm, đặc biệt là trong 3 tháng TPHCM thực hiện giãn cách xã hội.
Từ đây đến cuối năm tội phạm sẽ theo dòng người từ các tỉnh về lại TPHCM và sẽ hoạt động tăng trở lại trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, Công an TPHCM thực hiện theo phương án 03 của Bộ Công an về phòng chống tội phạm trước, trong và sau dịch Covid-19
Trong giai đoạn TPHCM hồi phục phát triển kinh tế, dự báo tội phạm xã hội đen, tín dụng đen gia tăng. Do đó, đòi hỏi lực lượng công an phải có các giải pháp, nhiệm vụ đấu tranh trấn áp tội phạm, trong đó kết hợp phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phải giữ vững nền tảng này.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hai trụ cột cơ bản để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là phải kiểm soát được dịch Covid-19 và kiểm soát được an ninh trật tự. “Nếu hai trụ cột này không được kiểm soát thì phục hồi, phát triển kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu nhận định.
Công an TPHCM phải có khảo sát, điều tra cơ bản để khi Luật Phòng chống ma tuý có hiệu lực từ đầu năm 2022 để triển khai ngay các giải pháp.
Đồng thời yêu cầu Công an TPHCM chỉ đạo các cơ quan điều tra khẩn trương điều tra, ban hành kết luận, nhất là các vụ án liên quan đến kinh tế chức vụ, tham nhũng trong năm 2021 để phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG Trước đó, Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó Giám đốc Công an TPHCM báo cáo tình hình an ninh trật trong trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Theo đó trong thời gian vừa qua, hệ thống mạng, cổng thông tin điện tử một số nơi có hiện tượng bị tin tặc tấn công. Tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo, mua bán trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng nhưng theo dõi đấu tranh xử lý vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, một số thông tin, bài viết đăng tải trên mạng xã hội không đúng, sai trái, xuyên tạc. Công an TPHCM đã xử lý hành chính và xử lý hình sự một số trường hợp.
Tội phạm giảm so với năm 2020 tuy nhiên tính chất cường độ lại phức tạp. Trong đó nổi lên tội phạm xâm phạm sở hữu, tính mạng có tính chất, cường độ gia tăng, đã xảy ra một số vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng do mâu thuẫn từ trước. Tội phạm liên quan đến tín dụng đen vẫn tiềm ẩn phước tạp, các đối tượng cho vay đe doạ người vay; Hoạt động cờ bạc hoạt động mạnh trên không gian mạng.
Kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng
Phát biểu tại buổi hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh, sau 18 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM đã có kết quả.
Số ca mắc mới đã giảm 5 lần so với đỉnh dịch, số trường hợp tử vong hàng ngày đã giảm xuống dưới 2 con số. TPHCM đang xem xét để không còn chốt kiểm soát (51 chốt) ở các địa bàn giáp ranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa và cung ứng lao động giữa các tỉnh, thành với TPHCM.
Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng nhanh. Đây là những tín hiệu lạc quan. Việc chăm lo cho người dân được nỗ lực, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc.
Một số chỉ tiêu 9 tháng đầu năm 2021 có mức tăng trưởng và là điểm sáng đáng ghi nhận. Đó là tổng thu ngân sách đạt 75% dự toán, giá trị sản xuất tại Khu Công nghệ cao TPHCM có giá trị gia tăng. Có 5 trong 9 ngành dịch vụ có tăng trưởng dương so với cùng kỳ.\
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động mạnh đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tâm lý người dân. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,6% so với cùng kỳ và đến quý 3-2021 (thời điểm giãn cách xã hội) giảm mạnh (24,39%).
Dự báo, GRDP năm 2021 sẽ không đạt chỉ tiêu đề ra là tăng trưởng 6%. Do vậy, hội nghị cũng thẳng thắn trao đổi, rà soát, nhìn nhận, đánh giá các hạn chế trong thời gian qua, nhất là hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các đơn vị; đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục, đẩy mạnh phục hồi, vừa phòng chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đấu giá nhà, đất tăng nguồn thu
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết, tình hình thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 75%. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thu ngân sách trong tháng 8 và 9 giảm sâu.
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG Giám đốc Sở Tài chính cũng cho biết, theo báo cáo từ Sở TN-MT, TP còn 13 dự án có thể giao đất thu tiền sử dụng đất trong năm 2021. Ngoài ra còn 4 khu đất có thể bán đấu giá; Ước tính có thể thu được 21.000 tỷ đồng từ nguồn thu này.
Đối với nhà công, đất công do các cơ quan đơn vị trên địa bàn TPHCM đang quản lý, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, hiện nay thành phố còn hơn 400 địa chỉ nhà đất. Qua rà soát thì còn hơn 70 địa chỉ nhà đất có thể bán đấu giá quyền sử dụng đất. Từ đó đề nghị các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong trường hợp thay đổi phương án xử lý, sắp xếp, địa phương cần báo cáo sớm cho Sở Tài chính.
Trong thời gian qua TPHCM đã dành các nguồn lực rất lớn cho phòng chống dịch, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Về các khoản chi, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, TPHCM và các quận huyện, TP Thủ Đức đã tiết kiệm khoảng 1.400 tỷ đồng chi thường xuyên. Do đó các địa phương tiếp tục rà soát và cắt giảm các khoản chi.
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay lượng hồ sơ mua bán tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TPHCM khá lớn. Dự báo từ đây đến cuối năm, có hơn 95.000 hồ sơ cần giải quyết. Dự kiến thu thuế khoảng 3.000 tỷ đồng từ hoạt động mua bán tài sản gắn liền với đất này.
Ngoài ra, liên quan đến đấu giá có 2 nhóm, đó là 4 lô đất đã được TPHCM duyệt với giá khởi điểm là 5.300 tỷ đồng. Đối với quỹ nhà 3.790 căn, HĐND TPHCM đã thông qua mức giá 14.738 tỷ đồng. Dự kiến tháng 12-2021 sẽ đấu giá để có nguồn thu từ quỹ nhà này. Bên cạnh đó, Sở TN-MT đang rà soát lại có 28 dự án, dự kiến thu khoảng 16.500 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, về cấp độ dịch Covid-19, cách đây 1 tuần đang ở cấp độ 3, đến hôm nay ước tính TPHCM đang ở cấp 2. Đánh giá cấp độ dịch chỉ mang tính tức thời, không có giá trị vĩnh viễn, đảm bảo. Nếu chủ quan, không làm tốt việc đang làm thì cấp độ dịch sẽ tăng lên ngay vì biến chủng Delta rất phức tạp. Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG Trong đợt dịch này, TPHCM đã thấy được điểm yếu, lỗ hỏng của y tế, nhất là y tế cơ sở. Đó là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở TPHCM không đủ sức trước sự bùng phát dịch dữ dội như vừa qua. Hệ thống này chỉ đủ sức chống với dịch hàng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Do đó cần phải có chiến lược củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và tái cấu trúc lại hệ thống điều trị để thích ứng với tình hình mới. Các bệnh viện, các cơ sở điều trị phải chuyển đổi để thực hiện 2 chức năng. Đó là nếu phát hiện F0, sẵn sàng thu dung và điều trị, đồng thời vẫn duy trì chức năng khám chữa bệnh thông thường khác cho người dân. “Vừa qua chúng ta bị động, dồn sức hết cho phòng, chống dịch Covid-19. Người dân mắc các bệnh thông thường khác không có nơi điều trị. Do đó đòi hỏi phải tái cấu trúc. Sắp tới đây, TPHCM sẽ hình thành các khoa Covid-19 ở các bệnh viện đa khoa”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết. | |
MẠNH HÒA - VĂN MINH