Năm 2023, TPHCM báo cáo nhu cầu vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách trung ương là gần 16.500 tỷ đồng. Số vốn này dự kiến bố trí cho các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong nước, gồm: Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên (300 tỷ đồng), dự án xây dựng nút giao thông An Phú (600 tỷ đồng), dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 huyện Bình Chánh (184,4 tỷ đồng). Đồng thời bố trí các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương nước ngoài, trong đó có tuyến Metro số 1 với số vốn gần 78 tỷ đồng. |
Ngày 7-12, HĐND TPHCM khóa X chính thức khai mạc kỳ họp thứ 8. Chủ trì kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Đến dự có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
17 dự án chậm tiến độ phải tạm ngừng
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng trình bày tờ trình về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Cụ thể, UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo TPHCM, đại biểu HĐND TPHCM dự phiên khai mạc sáng nay. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đó, các dự án giảm vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có nhu cầu vốn hoàn thành dự án thấp hơn vốn trung hạn đã đăng ký, giảm theo giá trị quyết toán được phê duyệt hoặc dự kiến được phê duyệt là hơn 690 tỷ đồng. Giảm do nhu cầu vốn hoàn thành dự án thấp hơn vốn trung hạn đã ký là hơn 3.974 tỷ đồng.
Đối với các dự án đưa ra khỏi kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 (các dự án đề xuất tạm ngừng, giãn tiến độ), qua rà soát, có 17 dự án chậm tiến độ triển khai do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thậm chí có khả năng tiếp tục phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa thể triển khai thực hiện ngay trong năm 2023.
UBND TPHCM trình HĐND TPHCM đồng ý chủ trương giãn tiến độ, tạm ngừng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời giảm vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.417 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với lãnh đạo TPHCM trong giờ giải lao. Ảnh: VIỆT DŨNG
Để tiếp tục thực hiện các dự án tạm ngừng trong thời gian sắp tới, UBND TPHCM đề xuất sẽ ưu tiên bố trí thực hiện từ nguồn vốn huy động tăng thêm (dự kiến 119.000 tỷ đồng) trong giai đoạn 2021-2025 hoặc ưu tiên bố trí vốn khu thực hiện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030, hoặc ưu tiên bố trí vốn khi thực hiện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Trong thời gian tạm ngừng thực hiện, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp các sở, ngành có liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo khi được bố trí vốn giai đoạn tới sẽ triển khai thi công ngay.
Ưu tiên bố trí vốn tăng thêm cho 5 dự án
Đối với điều chỉnh tăng, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh tăng, bổ sung theo giá trị quyết đoán được duyệt hoạch dự kiến được duyệt là hơn 640 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn trung hạn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, làm cơ sở để bố trí vốn đầu tư công năm 2023. Cụ thể, tăng vốn của 4 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư với số vốn là 21 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn tăng thêm cho 5 dự án và bổ sung 1 dự án mới với tổng nhu cầu vốn trung hạn cần bổ sung là 2.171 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng trình bày các tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong đó, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư là hơn 11.132 tỷ đồng và tổng nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung là 748 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TPHCM đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA; 4 dự án đang triển khai thực hiện, cần cân đối trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 là dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi với tổng vốn đầu tư là hơn 1.397 tỷ đồng và số vốn bổ sung là 678,7 tỷ đồng; dự án xây dựng bờ cao và cống ngăn triều trên rạch cầu Sập (quận 8) với tổng số vốn đầu tư là gần 125 tỷ đồng, số vốn bổ sung là 144,39 tỷ đồng.
Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Xây dựng nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) với tổng vốn đầu tư là 1.118 tỷ đồng và số vốn bổ sung là 567 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ để thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6 (quận Tân Bình) với tổng vốn đầu tư là gần 401 tỷ đồng, số vốn bổ sung là 173 tỷ đồng.
Theo UBND TPHCM, khả năng cân đối nguồn vốn trung hạn còn lại cho các dự án cấp bách khác là hơn 3.248 tỷ đồng, nếu tính cả nguồn vốn dự phòng trung hạn còn lại thì tổng số vốn là gần 6.650 tỷ đồng. Do đó, UBND TPHCM đề xuất sử dụng tổng số vốn còn lại nêu trên để cân đối cho các dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật).
Cần 16.700 tỷ đồng cho dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài giai đoạn 1
Tại kỳ họp, UBND TPHCM cũng có tờ trình về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư.
Các đại biểu HĐND TPHCM chào cờ trước khi phiên khai mạc diễn ra sáng nay. Ảnh: VIỆT DŨNG
Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TPHCM, tuyến đi song song Quốc lộ 22 hiện hữu, điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, trong đó đoạn qua TPHCM khoảng 23,7km.
Thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1) dự kiến năm 2022 – 2027; phương thức đầu tư (giai đoạn 1) theo hình thức BOT. Theo đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phỏng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách TPHCM và tỉnh Tây Ninh. Dự kiến thời gian hoàn vốn 18 năm 1 tháng.
Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 16.729 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 6.355 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác, dự phòng phi và lãi vay trong quá trình xây dựng 2.941 tỷ đồng; Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (do ngân sách địa phương hỗ trợ) 7.433 tỷ đồng (trên địa bàn TPHCM là 5.901 tỷ đồng; trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng).
UBND TPHCM cho biết, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, dự kiến ngân sách TPHCM tham gia 5.936 tỷ đồng trong giai đoạn trung hạn 2021-2025.
Kỳ họp lần này xem xét, thông qua nhiều tờ trình liên quan đến các dự án lớn của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi mức vốn trung hạn được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1535 năm 2021 (142.577 tỷ đồng), UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan để rà soát và đề xuất điều chỉnh vốn đã bố trí cho các dự án.
Số liệu dự kiến điều chỉnh giảm vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các dự án này được sử dụng để cân đối vốn cho các dự án cấp bách (trong đó có dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp...)
Hiện nay, TPHCM đang thực hiện các bước để đề xuất Trung ương tăng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn ngoài mức vốn trung hạn được Thủ tướng thông qua tại Quyết định số 1535 theo chủ trương đã được Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, dự kiến hoàn thành đầu năm 2023.
UBND TPHCM nhận thấy có thể sử dụng vốn ngân sách thành phố nguồn huy động tăng thêm ngoài mức vốn trung hạn đã được Thủ tướng giao để đầu tư dự án Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Do đó, UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM xem xét, quyết nghị thống nhất chủ trương đảm bảo cân đối đủ vốn ngân sách TPHCM tham gia vào dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài theo phương thức PPP để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố và công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
Dự kiến, ngân sách TPHCM cho dự án là 5.936 tỷ đồng (gồm 5.901 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng; 35 tỷ đồng chi phí chuẩn bị dự án).
Đại biểu HĐND TPHCM dự kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp (Dự án). Theo đó, dự kiến dự án với chiều dài 6,628km và 3 tuyến rạch nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) có chiều dài là 2,235km. Dự án có tổng vốn hơn 9.664 tỷ đồng. Dự kiến dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố làm chủ đầu tư.
Theo UBND TPHCM, việc đầu tư dự án là cần thiết nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh nói riêng và thành phố nói chung trong tương lai.
Cụ thể, dự án sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại rạch Xuyên Tâm nói riêng và góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực nói chung; Giải quyết vấn đề thu gom nước mưa tại khu vực góp phần hạn chế ngập úng trong lưu vực dự án; đồng thời kết hợp cùng các dự án liên quan khác giải quyết tổng thể các vấn đề thủy triều, biến đổi khí hậu và đảm bảo tiêu thoát nước cho toàn khu vực.
Bên cạnh đó, dự án góp phần kết nối được hạ tầng giao thông tại khu vực, tăng cường năng lực kết nối giao thông giữa các dự án có hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ đầu tư trong khu vực. Mặt khác, dự án sẽ chỉnh trang đô thị dọc tuyến rạch Xuyên Tâm nói riêng và khu vực nói chung, làm cho bộ mặt đô thị ngày một khang trang, hiện đại.