Thu hút lao động chất lượng cao
Hơn 4 năm nay, chị Lê Thị Hồng Nhung (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cảm thấy rất thoải mái khi công việc chị đang làm không bắt buộc phải ngày ngày đến văn phòng. Chị Hồng Nhung làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực IT. Nhân viên tại Việt Nam chỉ có vài người nên công ty chủ trương không lập văn phòng mà để nhân viên thoải mái làm việc tại nhà hoặc nơi nào cảm thấy thích.
“Công việc của tôi không phải lúc nào cũng ngồi máy tính, nên những lúc không quá bận với công việc, tôi thường làm việc nhà, chuẩn bị cơm nước cho chồng con”, chị Hồng Nhung chia sẻ.
Từ khi làm việc tại nhà, chị cũng không phải thuê người giúp việc theo giờ và có nhiều thời gian chăm lo con cái. Chị cho biết, cho nhân viên làm việc tại nhà, công ty không phải tốn chi phí cố định như: thuê văn phòng, điện, nước… đồng thời, quản lý nhân viên bằng công nghệ số. Nhờ chính sách của công ty và giờ giấc làm việc thoải mái, nhân viên phát huy được tính sáng tạo và chủ động làm việc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo chị Hồng Nhung, làm việc ở nhà cũng có nhiều bất tiện, đôi khi bị xao nhãng vì tất bật với việc nhà, nhất là những lúc chăm con ốm.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách cho nhân viên làm việc tại nhà. Nhận thấy hiệu quả của cách làm này, nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì để nhân viên một số bộ phận làm việc tại nhà. Với cách làm linh động này, nhiều doanh nghiệp thu hút được người lao động tay nghề cao đến làm việc.
Ông Nguyễn Quang Anh Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Marvell Việt Nam, cho biết, từ hiệu quả của việc cho nhân viên làm việc tại nhà trong đợt dịch Covid-19, sau dịch, công ty có chính sách để nhân viên chọn nơi làm việc, tại nhà hoặc tại văn phòng. Hiện hơn 300 lao động đang làm việc tại công ty, phần lớn nhân viên làm việc không cần đến văn phòng. Ông Anh Tú cho rằng, do đặc thù công việc nên khi được làm việc tại nhà, nhân viên thấy thoải mái và phát huy được hiệu quả, sáng tạo hơn trong công việc.
Phát huy sáng tạo, nâng cao hiệu quả
Tại Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM), thuộc Tập đoàn Renesas (Nhật Bản), gần 700 nhân viên trong số hơn 1.000 lao động tại đây chọn làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng.
Theo một trưởng nhóm thiết kế của công ty, trước dịch Covid-19, chỉ những nhân viên quản lý, người có thâm niên làm việc tại công ty mới được phép làm việc tại nhà 2 ngày/tuần. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, nhận thấy hiệu quả của việc cho nhân viên làm việc tại nhà, lãnh đạo công ty cho phép toàn thể nhân viên có thể chọn nơi làm việc và chỉ đến văn phòng 1 ngày/tuần.
Vị này cho biết, do đặc thù công việc thiết kế vi mạch nên khi làm việc ở nhà tâm lý người lao động thoải mái, phát huy được sự sáng tạo và hiệu quả công việc nhiều hơn. “Có người thích làm việc vào buổi tối, khi ấy mới có nhiều ý tưởng, nhưng cũng có người khi vừa ngủ dậy sẽ mở máy tính làm việc ngay. Việc không phải mất thời gian chạy đến văn phòng sẽ giúp phát huy hiệu quả công việc của người lao động”, vị này chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM Nguyễn Thái Thành, đa phần các doanh nghiệp cho người lao động chọn làm việc tại nhà thuộc các ngành nghề như thiết kế phần mềm, liên quan công nghệ cao, kỹ thuật, khối văn phòng. Hiện số doanh nghiệp liên quan lĩnh vực này tại Khu chế xuất Tân Thuận chiếm từ 10-15%.
Ông Nguyễn Quang Anh Tú chia sẻ, để người lao động làm việc tại nhà hiệu quả, đơn vị cần đầu tư công nghệ để thuận lợi cho người lao động và quản lý hiệu quả công việc. Với việc thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà, TPHCM cần tăng cường hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Có như vậy, người dân, doanh nghiệp sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ công và được cơ quan nhà nước trả kết quả mà không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ.
Đến cuối năm 2022, TPHCM có 19.059 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan. Thành phố chưa có số liệu thống kê cán bộ, nhân viên làm việc ở vị trí không tiếp xúc người dân.
Phó Trưởng Phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Sĩ Long tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội ngày 26-10 cho biết, về đề xuất thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà ở một số vị trí không tiếp xúc với dân vào thời điểm này là phù hợp và xuất phát từ điều kiện thực tiễn của TPHCM.
Theo ông Nguyễn Sĩ Long, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, trong đó, chuyển đổi số ở khu vực đầu tư công và các định hướng về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại mà thành phố đang thực hiện là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Ông Nguyễn Sĩ Long cho rằng, ở một số vị trí cán bộ không tiếp xúc trực tiếp với dân, không thực hiện thủ tục hành chính nếu bố trí làm việc tại nhà sẽ không ảnh hướng đến chất lượng, tiến độ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai đề án này, thành phố sẽ chọn các cơ quan, đơn vị thí điểm và vị trí việc làm của cán bộ không liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc thí điểm làm việc tại nhà không thay thế hoàn toàn mô hình làm việc tại công sở, đơn vị.