Nhiều câu hỏi liên quan tới trật tự an toàn giao thông, trong đó có thắc mắc tới đề xuất của Bộ Công an về việc cá nhân và tổ chức có thể lựa chọn các hình thức cấp biển số xe theo quy định hiện hành (thông qua hệ thống đăng ký) hoặc lựa chọn việc cấp biển số xe theo sở thích (có thu phí) và lựa chọn việc cấp biển số xe thông qua hình thức đấu giá. Theo đó, nếu người dân nếu có nhu cầu chọn biển số theo ý thích có thể đăng ký mua và trả phí cho biển số đã lựa chọn ra sao để đảm bảo công khai, minh bạch?
Giải đáp, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, dự thảo hiện nay quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển, đây là điều kiện để tham gia giao thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định. Trong Luật Quản lý tài sản công quy định tài nguyên số là một dạng tài sản công nên Chính phủ sẽ quyết định dưới hai hình thức. Một là vẫn duy trì hình thức cũ (bấm số ngẫu nhiên) để đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó có thể đấu giá biển số nếu người dân có nhu cầu.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết thêm, hiện việc đấu giá biển số không còn đưa vào dự thảo luật vì liên quan đến rất nhiều luật, cần phải sửa đổi bổ sung chứ không riêng Luật Trật tự an toàn giao thông. Quy định cấm mua bán biển số trái phép hiện đã sửa, trong khi đó quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến. “Đây là quyền tài sản đầy đủ hay là chỉ sử dụng, thì việc này cần có thời gian xem xét”, Đại tá Bình cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đề án thí điểm đấu giá biển số trên cơ sở phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách.
“Tinh thần của đề án là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu đẹp, nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu. Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về việc thí điểm đấu giá biển số xe vì nội dung này liên quan đến nhiều luật chứ không riêng luật về giao thông”, Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.