Từng gây ô nhiễm
Như Báo SGGP đã thông tin về dự án cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT với tổng vốn dự kiến trên 694 tỷ đồng từ ngân sách, các bên thống nhất sẽ nhận chìm gần 3,8 triệu mét khối vật chất nạo vét xuống khu vực biển Quy Nhơn. Vị trí nhận chìm rộng khoảng 100ha, cách bờ 6 hải lý. Hiện nay, ĐTM được Bộ TN-MT công bố theo diện hồ sơ dự thảo để lấy ý kiến tham vấn, hoàn thiện. Trước thông tin trên, nhiều người dân địa phương và chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc nhận chìm bùn thải xuống biển Quy Nhơn.
Phản ánh với Đường dây nóng Báo SGGP, người dân làng biển bán đảo Hải Minh, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) - khu vực gần dự án và vị trí nhận chìm bùn thải cho biết, khoảng 6 năm trước cũng từng có hoạt động nhận chìm bùn thải ở đây, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường biển và các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của người dân.
Lão ngư Phạm Thành Thệ (66 tuổi, đang nuôi tôm hùm ở khu vực biển Nhơn Hải) lo lắng: “Các ngành chức năng nên xem xét việc nhận chìm bùn thải này, bởi một lần đổ thải xuống biển là vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ven biển mà còn nguy cơ hủy hoại môi trường biển rất lớn. Nơi đây đã từng xảy ra việc nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển, nhưng vị trí nhận chìm gần bờ và không kiểm soát được làm cho cả vùng biển đục ngầu, cá tôm chết la liệt. Hơn nữa, vật chất nạo vét ở luồng Quy Nhơn phần nhiều chất thải từ khu cảng biển, cảng cá, rác rưởi mà đem ra đổ xuống biển thì vô cùng độc hại…”.
Cần tái sử dụng vật chất nạo vét
Ủng hộ hoạt động nạo vét luồng Quy Nhơn để nâng cao năng lực, khơi thông xuất khẩu hàng hóa, song ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, người làm trong lĩnh vực du lịch ở Quy Nhơn, cho rằng, cần hết sức cẩn trọng trong nhận chìm bùn thải với khối lượng lớn xuống vùng biển Quy Nhơn, bởi đây là vùng đánh bắt hải sản lớn của ngư dân và là vùng có hệ sinh thái thủy sản rất phong phú. Mặc dù vị trí nhận chìm dự kiến ở vùng biển cách bờ 6 hải lý, nhưng đây vẫn là vùng biển cận bờ, có sóng lừng nên nguy cơ tác động đến môi trường biển là rất lớn.
“Bùn thải sẽ bị sóng xua đi, làm cho cả vùng biển ven bờ Quy Nhơn từ màu xanh thành màu đục ngầu, ô nhiễm cả nguồn lợi thủy sản; làm xáo trộn cả hệ sinh thái biển, các rạn san hô, vì vậy các ngành chức năng cần nghiên cứu phương án tái sử dụng nguồn vật chất nạo vét để san lấp dự án quanh đầm hoặc đưa vào hoàn thổ đắp đê, đập phòng chống lũ...”, ông Trung nêu ý kiến.
Ông Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định, cho rằng, hoạt động nhận chìm bùn thải không chỉ gây hệ lụy lớn đến sinh thái biển mà còn phát sinh nhiều vấn đề trong việc kiểm soát hoạt động đổ thải, khối lượng công việc... Đáng ngại nhất là cách tính cự ly vận chuyển, nếu không giám sát kỹ sẽ phát sinh bất cập như từng xảy ra trước đây.
“Hiện nay, nhu cầu về vật liệu san lấp còn rất khan hiếm, phải phá đồi núi để tạo nguồn đất san lấp, vừa lãng phí vừa chậm tiến độ các dự án do vướng hồ sơ, thủ tục. Nếu tái sử dụng được nguồn vật chất nạo vét này vào san lấp thì rất tốt. Trước đây, hầu hết dự án, khu dân cư, đô thị ở ven đầm Thị Nại và hạ du các sông Hà Thanh đều đắp nền bằng phương thức hút cát, bùn từ đáy vịnh, đầm, sông…, vì vậy có thể tận dụng vật chất nạo vét cho các dự án san lấp. Trong đó, tỉnh nên có chính sách ưu tiên hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp nhận nguồn vật chất nạo vét trên…”, ông Tiêu phân tích.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, trước đây, quá trình nạo vét luồng Quy Nhơn từng tái sử dụng nguồn vật chất nạo vét phục vụ san lấp, thi công các công trình, dự án ven đầm Thị Nại. Trong đó, một số dự án (như dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại) cũng từng tiếp nhận, tái sử dụng rất tốt nguồn vật chất nạo vét này. Trong đó, nguồn cát nạo vét được đem san lấp dự án, còn bùn thì được tái sử dụng để trồng cây, phục hồi rừng ngập mặn tạo cảnh quan sinh thái xanh cho dự án…
Ách tắc trong tái sử dụng vật chất nạo vét
Tháng 2-2022, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Ban Quản lý dự án Hàng hải về vị trí đổ thải dự án cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT, thống nhất cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay và Công ty TNHH Phú Gia Riverside thực hiện các dự án khu du lịch sinh thái và khu đô thị, với khối lượng 1 triệu mét khối vật chất nạo vét. Tuy nhiên, không hiểu vì sao nội dung này lại bị bỏ qua. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa đề nghị Ban Quản lý dự án Hàng hải bổ sung kết quả khảo sát hiện trạng hệ sinh vật đáy tại khu vực nhận chìm vật chất nạo vét để đánh giá tác động, có giải pháp giảm thiểu; bổ sung đánh giá tác động môi trường của dự án đến khu vực quy hoạch bảo tồn biển ở vịnh Quy Nhơn.