Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tán thành ban hành nghị quyết càng sớm càng tốt với thời hiệu thực hiện theo Nghị quyết 30. “Chỉ trong tình trạng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mới được làm theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, còn không thì không được làm như thế”, ông Nguyễn Khắc Định nói rõ.
Không hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Ủy ban Xã hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định tranh luận: “Có một thực tế là vừa qua lực lượng chống dịch đã được huy động làm thêm vượt xa mức trần kia và nếu không điều chỉnh quy định thì họ sẽ không được thanh toán phần vượt trần”.
Trên cơ sở nhận định quy định này chỉ được áp dụng trong “bối cảnh hết sức đặc biệt”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định đồng tình với đề xuất của Chính phủ (số giờ trong 1 tháng của người lao động là không quá 72 giờ; số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ). Về thời điểm hiệu lực, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký, nhưng những ai đã làm thêm rồi thì cho truy lĩnh theo quy định mới này.
Cho biết Ủy ban Pháp luật cũng đã bàn bạc, lật đi lật lại vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng ý phương án trần làm thêm 1 tháng là 72 giờ, nhưng yêu cầu ghi rõ “phải được sự đồng ý của người lao động”; đồng thời phải quy định chế độ tiền lương tương xứng cho thời gian làm thêm tăng lên (từ 40 giờ lên tới 72 giờ).
Với trần giờ làm thêm trong 1 năm, ông Tùng tán thành phương án 300 giờ, trừ các ngành nghề độc hại, nguy hiểm… nhưng không đồng ý mở thêm lên tới 400 giờ đối với một số ngành nghề đặc thù (đã được Bộ luật Lao động cho phép làm thêm tới 300 giờ).
Tỏ ra khá băn khoăn vì “dịch bệnh Covid-19 cũng đã bào mòn sức khỏe của người lao động”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật một mặt chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, mặt khác đề nghị có cơ chế phòng ngừa lạm dụng, tăng cường thanh tra giám sát, đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
“Trần giờ làm thêm trong 1 tháng chỉ nên đến 60 giờ; trong 1 năm thì có thể lên đến 300 giờ, ngoại trừ một số đối tượng đặc biệt”, ông Thuật nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp thu giải trình đầy đủ các ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện dự thảo nghị quyết theo hướng việc làm thêm giờ bắt buộc phải được sự thỏa thuận tự nguyện của người lao động.
“UBTVQH sẽ tiếp tục cân nhắc thận trọng vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối phiên họp thứ 9 (dự kiến ngày 24-3)”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.