Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 1,2 triệu dân, với khoảng 36% là dân tộc thiểu số (trong đó hơn 30% dân tộc Khmer). Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ từ trung cấp đến đại học trở lên chiếm khoảng 7%. Sóc Trăng là địa phương duy nhất tại ĐBSCL hiện chưa có trường đại học hoặc phân hiệu đại học.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng bước theo hướng công nghiệp. Hiện tỉnh có 5 khu công nghiệp và 19 cụm công nghiệp trên địa bàn, cùng với 22 dự án điện gió và dự án cảng nước sâu... Do đó, vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra tính cấp thiết đối với địa phương.
Việc hình thành Khu đào tạo trường Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng sẽ góp phần quan trọng giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho Sóc Trăng thời gian tới. Về phía địa phương, Sóc Trăng sẽ tích cực hỗ trợ Đại học Cần Thơ về các mặt cơ chế, chính sách, hạ tầng, đất đai...
Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Hiện trường có Khu đào tạo Hòa An, đặt tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Trải qua hơn 7 năm hoạt động, mô hình đào tạo này từng bước đã mang lại những kết quả khả quan. Qua đó, phía nhà trường cam kết sẽ cùng các đơn vị có liên quan tỉnh Sóc Trăng tiến hành trao đổi, nghiên cứu về việc thành lập một Khu đào tạo mới tại Sóc Trăng. Dự kiến đây là Khu V, Đại học Cần Thơ – Sóc Trăng.
Trường Đại học Cần Thơ hiện có 99 ngành/chuyên ngành bậc đại học, 48 ngành thạc sĩ và 19 ngành tiến sĩ. Hiện trường có hơn 42.600 sinh viên, 1.989 học viên cao học và 291 nghiên cứu sinh theo học.
Hiện trường Đại học Cần Thơ có 4 Khu đào tạo gồm: Khu 1, Khu 2, Khu 3 (tại TP Cần Thơ) và Khu 4 – Khu Hòa An (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).