Đầu tư vào hòa bình
Trong tuyên bố ngày 16-7, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: Các bên coi ổn định và hòa bình lâu dài tại Afghanistan có vai trò quan trọng đối với kết nối khu vực. Theo Reuters, nhận thấy cơ hội lịch sử để mở các tuyến thương mại liên vùng đang phát triển, các bên dự định hợp tác để mở rộng thương mại, xây dựng các liên kết trung chuyển và tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Bốn nước nhất trí sẽ gặp nhau trong những tháng tới để xác định các phương thức hợp tác này.
Nền tảng hợp tác khu vực giữa Mỹ, Afghanistan, Pakistan và Uzbekistan ra đời trong bối cảnh bạo lực không ngừng gia tăng ở Afghanistan. Hiện Mỹ và các nước thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xúc tiến kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Dự kiến việc rút quân hoàn tất vào cuối tháng 8 tới trong khi lực lượng Taliban tiếp tục mở rộng vùng chiếm đóng.
Các quan chức Mỹ đang có các cuộc đàm phán với các nước láng giềng của Afghanistan để hỗ trợ quân đội nước này. Xung đột vũ trang kéo dài hơn 20 năm qua khiến nhiều người dân Afghanistan phải rời khỏi đất nước, hầu hết tới Pakistan và Iran, để lánh nạn. Theo số liệu công bố đầu năm nay của Liên hiệp quốc (LHQ), tại Pakistan hiện có 1,4 triệu người Afghanistan tị nạn, trong khi Iran tiếp nhận gần một triệu người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Trang mạng NPR ngày 17-7 dẫn nhận định của Đại sứ Pakistan tại Mỹ Asad Majeed Khan cho rằng: “Chúng tôi tin tưởng rõ ràng và chắc chắn phải nỗ lực phối hợp mới có thể giành được hòa bình ở Afghanistan. Xem xét tình hình ở Afghanistan và sự quan tâm về các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng sau khi người Mỹ rút khỏi Afghanistan, tôi nghĩ tập trung vào hòa bình, thực hiện tiến trình hòa bình là khoản đầu tư chống khủng bố tốt nhất mà Mỹ có thể thực hiện”.
Hỗ trợ nhận đạo
Người phát ngôn của Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Babar Baloch, cho biết, Afghanistan đang trên bờ vực một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ chính phủ và người dân Afghanistan, cũng như các nước láng giềng vào thời điểm quan trọng hiện nay.
Cùng lúc này, ông Ramiz Alakbarov, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Afghanistan, cho biết, quốc gia Nam Á này đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng. Hạn hán kéo dài và tình trạng bất ổn do các hoạt động quân sự gia tăng trong bối cảnh quân đội nước ngoài rút quân khiến vô số dân thường rời bỏ nhà cửa lánh nạn.
Theo ông Alakbarov, quỹ tài trợ Afghanistan do Mỹ khởi xướng trị giá 1,3 tỷ USD đến nay mới nhận được gần 40%. Trong khi đó, khoảng 18 triệu người Afghanistan, hoặc phân nửa dân số nước này, cần được hỗ trợ. Một phần ba dân số nước này bị suy dinh dưỡng và một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính. Do đó, khoản tiền 450 triệu USD đã nhận được vẫn còn thiếu để triển khai công tác cứu trợ cần thiết.
Ông Alakbarov cho biết kế hoạch cứu trợ nhân đạo của LHQ cung cấp hỗ trợ ít nhất 15,7 triệu người và kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu không có những khoản đóng góp bổ sung.
Trong thông tin liên quan, Nhà Trắng cho biết khoảng 20.000 người Afghanistan làm phiên dịch cho Mỹ trong thời gian binh lính Mỹ tham chiến đã đệ đơn xin tị nạn tại Mỹ, để tránh Taliban trả thù. Ước tính số người Afghanistan đủ điều kiện tị nạn tại Mỹ có thể lên đến khoảng 100.000 và chương trình di tản những người này bắt đầu ngay trong tháng 7.
Mỹ đang đẩy nhanh việc cấp thị thực cho những người Afghanistan dễ bị tổn thương, bao gồm cả phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chính trị, nhà báo, các nhà hoạt động xã hội do họ có thể trở thành mục tiêu của Taliban sau đợt rút quân của Mỹ trong tháng này.