Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo luật. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
UBTVQH đề xuất quy định quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, bổ sung quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…
Về thanh tra di sản văn hóa, UBTVQH đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật hay quy định tại nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa. Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật, UBTVQH đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.
Thảo luận về quy định bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận trong dự thảo, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề nghị xem xét lại quy định này, vì về quan điểm, phát triển kinh tế là khai thác tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do đó, khi đưa các bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để trưng bày cho khách tham quan, chiêm ngưỡng có thu phí là phù hợp.
Mặt khác, về thực tế, khi bảo tàng, phòng trưng bày có trưng bày bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mở cửa có bán vé tham quan là hoạt động có thể có lợi nhuận sẽ bị cấm.
“Vậy bảo tàng, phòng trưng bày phải cất những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia này, kéo theo khách sẽ không đến nữa hoặc đến ít đi vì không có đối tượng để tham quan. Từ đó kéo theo hệ quả là bảo tàng sẽ không phát huy được vai trò của mình; bảo tàng không có hoặc là không tăng được nguồn thu, ảnh hưởng đến sự tồn tại và tăng trưởng của mình”, ĐB Nguyễn Hải Dũng phân tích.
Theo ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam), dự thảo luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân.
Việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của chủ di tích. Do đó, ĐB Dương Văn Phước đề nghị cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.
Cũng về vấn đề này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các di tích nằm trong khu quy hoạch, vì việc sửa chữa, cơi nới phải qua rất nhiều khâu và gặp nhiều khó khăn, thậm chí không sửa chữa được.
ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị dù luật không quy định nhưng nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng, rành mạch nội dung này, người dân có thể thuận tiện trong các thủ tục sửa chữa, cơi nới…
Mặt khác, theo ĐB Dương Văn Phước, đô thị cổ Hội An có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam. Đây là "bảo tàng sống", có hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc thành phố Hội An. Việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Đây là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn và đa dạng về loại hình, do đó ĐB đề nghị cần có cơ chế quản lý riêng.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản.
ĐB Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là di sản rất đặc biệt, đề nghị cần phải quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Bên cạnh đó, theo ĐB Phạm Văn Hòa, thực tế, thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, mất mát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua.
Do vậy, ĐB đề nghị trong dự thảo luật không quy định cụ thể nhưng nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL cần quy định cụ thể để tổ chức thực hiện cho tốt.