Không chỉ liên tiếp tổ chức đón các đoàn du khách, những ngày tết, TP Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động cho người dân và du khách du xuân như không gian "Đà Nẵng tết xưa và nay" gần khu vực Công viên APEC (quận Hải Châu), mô hình thuyền thúng với chủ đề mừng xuân Quý Mão 2023 tại bờ biển quận Sơn Trà...
Linh vật mèo cùng hình ảnh các hoạt động thường nhật của TP Đà Nẵng được khắc họa, trưng bày trên các thuyền thúng là điểm mới lạ tại các bãi biển du lịch của Đà thành dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Người dân Đà Nẵng check-in với khu nhà chòi tại Không gian "Đà Nẵng tết xưa và nay". Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa tập trung tạo điểm nhấn dựa trên các hoạt động giao thoa của Tết Việt Nam và Tết Nhật Bản như làm bánh Mochi, thưởng thức mì Soba…
Trong 4 ngày tết, với lễ hội Đền Thần Tài tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động múa lân sư rồng, khai bút đầu xuân, treo dây nguyện ước, hái lộc đầu năm, đập niêu đất,...
Du khách chơi trò đập niêu đất tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài trong dịp đầu năm mới |
Từ mùng 3, 4 tết, thời tiết chuyển mưa, lạnh, nhiều gia đình và du khách lựa chọn việc check-in không khí tết tại các quán cà phê thay vì những điểm du xuân ngoài trời.
Nhiều gia đình chọn quán cà phê để cùng nhau chuyện trò đầu năm. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ước tính tổng lượng khách tham quan, du lịch đến TP Đà Nẵng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đạt khoảng 227.000 lượt. Trong đó khách nội địa ước đạt 167.454 lượt, khách quốc tế ước đạt 59.285 lượt. Khách quốc tế chủ yếu là Hàn Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore...).
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, du khách nườm nượp tham quan các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế. Đồng thời thưởng thức một số hoạt động cung đình và các chương trình vui tết như Lễ đổi gác, biểu diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ca Huế, các trò chơi cung đình, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật... tại khu vực trước Ngọ Môn và bên trong Đại Nội.
Xếp hàng mua vé tham quan Đại nội Huế. Ảnh: VĂN THẮNG |
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão, đơn vị mở cửa miễn phí cho người dân và du khách trong nước đến tham quan. Đặc biệt, việc phục dựng và tái hiện lại các nghi lễ và trò chơi cung đình trong dịp Tết Quý Mão nhằm giữ gìn nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Lễ hội đu tiên Điền Hoà đầu Xuân Quý Mão. Ảnh: VĂN THẮNG |
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lượng khách đến Huế tham quan ngày mùng 5 tết dự kiến trên 1 vạn. Riêng khu Di sản Huế trong 4 ngày tết đã đón 92.613 khách tham quan (54.322 khách quốc tế và 38.291 khách nội địa). Lượng du khách lưu trú tại Huế tăng khoảng 150% so tết năm 2022. Trong đó, du khách quốc tế lưu lại Huế nghỉ dưỡng tăng 3.500% so với năm 2022. Hiện đơn vị đã vận động và hướng dẫn một số khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng và cơ sở kinh doanh dịch vụ cùng các đơn vị lữ hành linh hoạt tổ chức các chương trình đón khách khi đến khách sạn ở Huế theo phong cách văn truyền thống dịp xuân mới, giới thiệu và mời khách trải nghiệm một số món ẩm thực Huế dịp tết cổ truyền.
Tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), rất đông du khách thập phương, gồm người lớn, trẻ em nườm nượp đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong và tham quan nơi đây.
Người dân, du khách đến dâng hương tại mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Khuôn viên khu di tích được chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ, công tác phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự được đảm bảo an toàn. Ban Quản lý Khu di tích đã bố trí cán bộ, công nhân viên trực làm việc liên tục để đón tiếp, phục vụ du khách chu đáo, tận tình.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc cho biết, tính từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, ước tính đã có trên 10.000 lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến khu di tích để dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong và tham quan, du xuân. Trong đó ngày cao điểm đông nhất là trên 3.000 lượt khách. Dự kiến từ nay đến sau rằm tháng Giêng, khu di tích sẽ tiếp tục đón thêm hàng chục ngàn lượt du khách nữa.
Người dân, du khách đến dâng hương, tham quan các khu di tích lịch sử ở Hà Tĩnh tăng đột biến. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Ngoài các khu di tích lịch sử, điểm du lịch tâm linh, trong dịp này, các khu, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng thu hút khá đông du khách thập phương.
Theo ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2023, Hà Tĩnh đặt mục tiêu sẽ thu hút khoảng 2,2 triệu lượt khách đến du lịch, tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Vì vậy, lượng du khách đến với các khu, điểm du lịch ở Hà Tĩnh trong những ngày đầu xuân năm mới tăng cao là tín hiệu vui, phấn khởi cho năm du lịch 2023 của tỉnh này.