Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế và có thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo) tiềm năng, tỷ lệ lấp đầy khách sạn giảm mạnh xuống còn từ 20%-40% ngay sau khi đại dịch bùng phát. Vào năm 2020, khối lượng giao dịch trong thị trường khách sạn của khu vực giảm xuống chỉ còn hơn 6 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với mức của năm 2019.
Tuy nhiên, việc các nền kinh tế mở cửa trở lại đã giải tỏa nhu cầu đi lại, giải trí và du lịch bị dồn nén từ lâu, giúp tăng công suất thuê phòng khách sạn. Theo nhà cung cấp dữ liệu khách sạn CoStar Group (trụ sở tại Mỹ), tỷ lệ lấp đầy khách sạn trung bình tại các thành phố chính trên toàn khu vực châu Á đạt 61,3% trong tháng 8-2022, so với 73,7% vào tháng 8-2019. Tại các thị trường như Singapore và Mumbai, công suất thuê phòng hiện vượt quá 70%.
Hơn nữa, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực khách sạn đã tăng mạnh. Theo Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), trong 9 tháng đầu năm nay, khối lượng đầu tư vào lĩnh vực khách sạn đạt 8,4 tỷ USD, 72% trong số đó là ở Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhật Bản trong tuần qua đã bắt đầu mở cửa hoàn toàn với du khách nước ngoài được tiêm chủng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Ông Nihat Ercan, Trưởng bộ phận bán hàng, đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại JLL, cho biết việc thị trường du lịch Nhật Bản mở cửa trở lại đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy thị trường đầu tư khách sạn trong khu vực đang trở lại bình thường. Ông Ercan khẳng định: “Châu Á đang trỗi dậy từ cơn buồn ngủ Covid”.
Giờ đây, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc được duy trì trong một thời gian dài hơn so với dự đoán của nhiều người, là một lực cản lớn đối với sự phục hồi ngành du lịch khu vực. Theo dữ liệu từ công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản có trụ sở chính tại Mỹ (CBRE), du khách Trung Quốc chỉ chiếm 4% tổng lượng khách quốc tế đến các điểm du lịch phổ biến nhất trong khu vực trong 7 tháng đầu năm 2022, giảm so với mức 25% năm 2019.
Ngoài ra, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là sự thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng khiến các hãng hàng không không thể đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Ông Jesper Palmqvist, Giám đốc cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của STR, cho biết, trong khi chi tiêu cho du lịch đang tăng mạnh trên diện rộng, với giá vé máy bay tăng cao, các nhà điều hành khách sạn phải đối mặt với sự gia tăng lớn trong chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lao động.
Hơn nữa, sự gia tăng đáng kể của lãi suất, tăng giá của USD và nguy cơ ngày càng tăng của suy thoái kinh tế toàn cầu đang khiến lĩnh vực khách sạn của châu Á chịu thêm căng thẳng. May mắn là Nhật Bản, nơi chi phí đi vay vẫn ở mức âm và đồng yen ở mức thấp nhất trong 3 thập niên so với USD vẫn hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối cùng, nếu không có sự trở lại của du khách Trung Quốc, sự phục hồi trong ngành khách sạn của châu Á sẽ khó đạt mức trước dịch.