Du học là hành trình xứng đáng

Đây là nhận xét ngầm ý khích lệ của Nguyễn Tuấn Nghĩa, người vừa tái đắc cử Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ (SIVIBI). Thử thách mà SIVIBI và cá nhân Nghĩa muốn thực hiện trong nhiệm kỳ 2024-2026 là góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với sinh viên quốc tế trong những chương trình trao đổi sinh viên mà SIVIBI là cầu nối.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

18 tuổi bắt đầu du học bậc cử nhân ngành Quản trị kinh doanh tại KU Leuven, 23 tuổi hoàn thành bậc thạc sĩ và ở tuổi 26, Nghĩa đang bắt đầu với nghề tư vấn giải pháp công nghệ trong quản trị doanh nghiệp. Hơn 7 năm sống tại Bỉ, Nghĩa đã có 2 năm ở cương vị Chủ tịch SIVIBI. Đường đi xem chừng rất thuận lợi của Nghĩa lại bắt đầu từ một thừa nhận: “Cá nhân tôi đã không biết điều gì sẽ đến sau hành trình du học của mình”.

Chính vì thế, Nghĩa đồng cảm với nhiều học sinh, sinh viên khi lựa chọn điểm đến du học thường chỉ suy tính tới việc học dễ hay khó, chọn trường nào và nước nào. Còn về tương lai việc làm, cơ hội định cư thì không phải ai cũng có ngay lựa chọn tốt nhất từ ban đầu. Nghĩa cho rằng “không có gì lãng phí khi thực sự trải qua các trải nghiệm. Nếu có thay đổi ở mỗi giai đoạn trong cuộc sống hãy cứ tiếp tục con đường nếu mình thấy thật sự hào hứng”.

CN8b.jpg
Nguyễn Tuấn Nghĩa (trái) nhận hoa của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ chúc mừng Đại hội Đại biểu Sinh viên Việt Nam tại Bỉ lần thứ VI

Còn về trải nghiệm cá nhân, Nghĩa nhận định Bỉ là cơ hội học tập phù hợp với số đông học sinh và gia đình ở Việt Nam, là cánh cửa ít rào cản hơn cho giấc mơ của sinh viên. Mô hình du học tự túc cho bậc cử nhân của Bỉ không có học bổng nhưng học phí thấp, trung bình khoảng 2.000 EUR/năm. “Tôi học ở đây nên càng tự tin rằng Bỉ có nền giáo dục chất lượng cao, môi trường sống tốt, nhiều tiềm năng về cơ hội việc làm vì sự cạnh tranh không quá lớn”, Nghĩa chia sẻ. Câu hỏi nhiều phụ huynh thường đặt ra là có khoản phát sinh tài chính nào không? Nghĩa khẳng định: “Nếu đảm bảo khoản chứng minh tài chính đúng yêu cầu của các trường ở Bỉ thì có thể yên tâm là đủ. Ai biết tiết kiệm thậm chí còn có dư để du lịch”. Chính sách cho sinh viên quốc tế đi làm thêm ở Bỉ cũng tạo cơ hội về thu nhập và gia tăng trải nghiệm sống cho du học sinh. Thu nhập của sinh viên trong một năm đi làm thêm có thể trang trải được từ 70-75% chi phí sinh hoạt cả năm.

Trước và ngay sau Đại hội Đại biểu Sinh viên Việt Nam tại Bỉ lần thứ VI tổ chức tháng 3-2024, SIVIBI đã thực hiện những bước đầu tiên liên kết các đại học ở Bỉ với các đại học tại Việt Nam nhằm mở rộng chương trình trao đổi sinh viên. Nghĩa nhận xét: “Hiện tại, các trường ở nước ta chưa phải điểm đến nổi bật trong việc trao đổi sinh viên với các trường tại Bỉ. Vì vậy rất cần đơn vị trung gian đại diện cho tiếng nói của sinh viên nhằm kiến tạo được chương trình trao đổi phù hợp. Đi học trao đổi 5-6 tháng rồi trở về là bước đệm hợp lý cả về tài chính lẫn tâm lý. Hơn nữa, thêm nhiều bạn trẻ được trải nghiệm môi trường ở Bỉ để có lựa chọn tiếp theo chắc chắn hơn, tiến tới có thêm sinh viên Bỉ cũng như sinh viên quốc tế lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trải nghiệm”.

Khoảng mười năm gần đây có nhiều học bổng cho tiến sĩ từ Việt Nam sang Bỉ nghiên cứu nhưng bậc thạc sĩ còn ít và bị giới hạn trong một vài ngành đặc thù. Học phí bậc thạc sĩ tại Bỉ trung bình khoảng 4.000 EUR/năm, với sinh viên Việt mức này có thể còn hơi lớn nếu so với sinh viên trong EU. Nghĩa cho biết mục tiêu mà SIVIBI hướng tới là tìm kiếm sự đồng hành từ nhiều tổ chức, trong đó có Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, các trường, doanh nghiệp. Đồng thời, từng bước tạo ra các chương trình học bổng toàn phần, giảm học phí (dựa trên kết quả học tập) và áp dụng cho nhiều ngành phổ biến hơn, đặc biệt là dành riêng cho sinh viên Việt du học tại Bỉ.

Tin cùng chuyên mục