Những tháng ngày bôn ba xứ người, tôi không ít lần nghe được những câu nói như: “Sướng thế, ra nước ngoài tha hồ mà du lịch”, “Thoát khỏi phụ huynh quản lý, muốn làm gì thì làm”…
Du học là du lịch?
Đi du học, bên cạnh việc ngày ngày lên giảng đường, còn là cơ hội để du lịch, mở mang tầm nhìn và ngắm nhìn thế giới. Với sự khác biệt về văn hóa, điều kiện lẫn môi trường sống, chuyện ngày hôm nay ở nơi này, mai dời đi nơi khác là chuyện rất bình thường. Khác với sinh viên Việt Nam, sinh viên nước ngoài dành rất ít thời gian tới lớp, thay vào đó họ tự học trong thư viện và tự nghiên cứu thêm các tư liệu khác qua giáo trình. Kể cả các giáo sư trên giảng đường cũng khuyến khích sinh viên tự nghiên cứu thêm ở bên ngoài, lên lớp chỉ gói gọn trong việc thảo luận những gì đã đọc hay đặt câu hỏi cho giáo viên. Vô hình trung, những người đi du học luôn bị mang trên mình cái mác: con đại gia, học ít du nhiều.
Khi là một du học sinh, nhiệt huyết tuổi trẻ thích khám phá vùng đất mới, cộng thêm rất nhiều cơ hội trải nghiệm và học về những nền văn hóa mới, là nguồn động lực to lớn để du nhiều hơn học. Là một du học sinh, bạn không bị ràng buộc bởi điều gì và quan trọng nhất là được tự do khỏi vòng bảo bọc của gia đình, được tự lập và tự chủ với những quyết định của riêng mình; vì thế, bạn dư dả cả thời gian lẫn tinh thần để đi bất cứ nơi đâu mình thích. Mặt khác, hệ thống giao thông ở các nước luôn được đầu tư hết sức hiện đại và tiện lợi. Bạn dễ dàng du lịch tới bất cứ đâu trên xe buýt, xe khách, tàu lửa, tàu điện ngầm,… thậm chí bằng máy bay nếu dư dả. Vừa được du lịch, vừa được trải nghiệm, học tập ngôn ngữ và văn hóa bản địa, thử hỏi ai không háo hức?
Cố gắng gấp 10 sinh viên bản xứ
Đi du học đã trở thành một xu thế, hay hiện tượng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới từ đầu những năm 2000 và đến tận ngày nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Người người, nhà nhà, từ sinh viên đến doanh nhân đều “xách ba lô lên và đi”. Không ít người tin rằng, đây sẽ là hành trình trải đầy hoa hồng và con đường trở về sẽ ngời sáng. Có điều, những chông gai ẩn sâu dưới bề mặt mềm mượt của hoa hồng kia thì chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu và cũng không phải ai cũng đủ sức chịu đựng.
Đến với Tháp bút chì nổi tiếng tại Washington D.C
Khánh Huyền (Huyền Chip), tác giả trẻ của cuốn sách gây sốt Xách ba lô lên và đi từng chia sẻ rằng, một trong những thử thách đối với du học sinh chính là “Hầu hết các bạn du học sinh đi thẳng từ môi trường Việt Nam sang nước ngoài du học nên dễ bị nhớ nhà, gặp khó khăn với cuộc sống tự lập ở một đất nước xa lạ”. Cách xa nơi mình sinh ra và lớn lên hàng ngàn cây số, không khó hiểu khi phần lớn các bạn du học sinh đều mắc chung một tình trạng: “sốc (shock) văn hóa”. P.L., sinh viên năm nhất Trường Đại học South Florida, Mỹ không khỏi bồi hồi khi kể về những khó khăn ngày đầu ở xứ cờ hoa: “Mình nhiều lần bắt gặp bản thân mình đứng nhẩm tính giá tiền của một bó hành bằng đơn vị tiền tệ quê nhà, hay loay hoay mãi mà không khui được cái nắp lon sữa đặc bằng thứ dụng cụ nhà bếp xa lạ. Thậm chí, dù có nghĩ thế nào cũng không thể hiểu được điểm buồn cười trong những câu chuyện tiếu lâm của bạn bè bản xứ”.
Mặt khác, có một sự thật khắc nghiệt rằng, khi các bạn học bản địa cùng lớp không cần chú ý nhiều mà vẫn nắm được ý chính của những bài đọc nghiên cứu dài dằng dặc, của những bài giảng chuyên sâu từ các vị giáo sư hay thậm chí mất không đến 2 tiếng cho một bài luận dài 5 trang A4, thì bạn luôn phải cố gắng gấp mười, gấp trăm lần bạn bè bản xứ cho những công việc tương tự. Bạn H.T., Trưởng ban Truyền thông CLB Sinh viên Quốc tế Trường Đại học Massachusetts Amherst, Mỹ từng chia sẻ về mối bận tâm chung từ các bạn sinh viên quốc tế: “Bạn sẽ mất nhiều thời gian, nhất là ở giai đoạn đầu, vì không thể bắt kịp tốc độ nói chuyện của thầy cô, vì không thể hiểu hết những từ ngữ học thuật chuyên sâu hay vì không đủ vốn từ để trình bày chính xác ý nghĩa câu văn của mình bằng ngôn ngữ nước ngoài, cho dù bạn có căn bản vững chắc đến đâu”. Khi việc cân bằng giữa du và học vốn đã chông chênh từ giây phút đầu vì bạn đã gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì việc xách ba lô và tự khám phá thế giới bên ngoài có vẻ… hơi phi thực tế.
Phải nỗ lực hết mình
Bên cạnh việc duy trì thời gian lên lớp đầy đủ, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, tìm kiếm cơ hội thực tập để hoàn thiện hồ sơ xin việc và đạt số điểm tối thiểu để được tiếp tục học tập tại trường (hoặc để tiếp tục giữ học bổng), sinh viên quốc tế còn bị ràng buộc bởi visa hay tình trạng lưu trú, khiến cho việc du lịch khắp nơi không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Tài chính cũng là một vấn đề quan trọng khác. Ngoại trừ gia đình cực kỳ khá giả, dư điều kiện cho con ăn học trong vài năm, hầu hết các sinh viên quốc tế đều phải cố gắng kiểm soát chi tiêu hàng tháng một cách thiết thực nhất. Chính vì thế, để lo chi phí cho việc di chuyển, ăn ở và các khoản phí phụ khác cho chuyến hành trình của mình chính là một quá trình tích góp rất dài từ các công việc làm thêm mà các bạn sinh viên đã vất vả kiếm được. A.H., sinh viên năm cuối Trường Đại học Indiana, Mỹ từng kể về chuyến du học ngắn hạn tại Bologna, Ý của mình: “Việc vừa học đủ 4-5 lớp một tuần, vừa duy trì 2-3 công việc làm thêm là rất bình thường bởi vì nếu chỉ đi học thì các chi phí phát sinh trong cuộc sống ai trả bây giờ?”. Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi đặt ra, du học phần lớn là du hay là học, ta có thể ví việc đi du học như một món đầu tư và trả lời nó bằng một câu hỏi khác, kết quả chúng ta muốn nhận được là gì?
Có người chọn du để đổi lấy một sự trải nghiệm về thế giới hay đơn giản là sự thay đổi nhận thức về bản thân và cuộc sống. Có người chọn học để đạt được thành tựu: là tấm bằng cử nhân, là một cơ hội việc làm, hay là một sự đổi đời cho tương lai…
Chính vì vậy, để có thể đạt được mục tiêu cuối cùng, tất cả các du học sinh đều có duy nhất một lựa chọn: phải nỗ lực hết mình. Cuối cùng, dù cho có du hay học thì thành quả của quá trình trải nghiệm tại nước ngoài của bạn, những gì đã học được và thu được, mới là điều quan trọng nhất.