Dư địa thị trường chuyển đổi số tiềm năng

Ngày 21-4, diễn đàn "Chuyển đổi số - nâng tầm doanh nghiệp Việt do Viện Phát triển Dữ liệu và công nghệ số Việt Nam phối hợp với tổ Tập đoàn Excedo đã quy tụ hàng trăm chuyên gia công nghệ, chuyển đổi số, dữ liệu, tài chính… tham dự. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang có dư địa thị trường chuyển đổi số tiềm năng nhưng chưa khai thác đúng mức.

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, đóng góp của kinh tế số đạt 25% trong tổng sản phẩm quốc gia (GDP) và con số này sẽ tăng lên 30% vào năm 2030.

Thực tế này kéo theo nhu cầu ngày càng tăng về phát triển dữ liệu số, công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số rộng khắp cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ở khắp các lĩnh vực như tài chính, giáo dục, y tế, thương mại điện tử, nông nghiệp... Đây chính là dư địa thị trường tiềm năng nếu các doanh nghiệp chuyển đổi số khai thác hiệu quả.

6343c86abc5b12054b4a.jpg
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát biểu tại diễn đàn

Đồng thuận về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Phát triển Dữ liệu và Công nghệ số Việt Nam (VIDT) cho biết, sự ra mắt VIDT ngày hôm nay cũng không nằm ngoài nhu cầu thực tế trên. Cũng tại diễn đàn, VIDT liên kết và hợp tác với Tập đoàn công nghệ Excedo cho ra mắt hệ sinh thái số “make in Viet Nam” để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số hiện nay. Nổi bật nền tảng ứng dụng chuyển đổi số như bản đồ số Gmap, ứng dụng chuyển đổi số giáo dục, y tế, quy hoạch sử dụng đất đai và bất động sản, ứng dụng Bizdata - chuyển đổi số phục vụ thông tin kinh doanh, ứng dụng chuyển đổi số cho xác thực chất lượng, xuất xứ hàng hóa...

Những nền tảng số này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và tạo ra giá trị mới thông qua việc khai thác dữ liệu. Ngoài ra, Tập đoàn Excedo đã và đang tập trung xây dựng các nền tảng chuyển đổi số ứng dụng khác như Vnland, Numbala, Bizdata, social Listening...

07b30b767e47d0198956.jpg
Hơn 300 đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp đã tham dự diễn đàn

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, về phía các doanh nghiệp cần đồng nhất tư duy và ứng dụng quản trị số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Còn về phía các cơ quan chức năng, phải thực hiện mục tiêu kép là vừa kiến tạo và kiểm soát hoạt động chuyển đổi số. Cùng với đó, cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nền tảng số phát triển, đồng thời nâng cao an ninh mạng.

Được biết, mức tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo cuối năm nay đạt khoảng 2,4%, thấp hơn 0,2% so với năm 2023. Riêng Việt Nam thì tăng trưởng kinh tế khả quan hơn khi được dự báo có mức tăng 6% - 6,5%. Nguyên nhân là đỉnh lạm phát đã qua và sẽ duy trì mức khoảng trên dưới 4% vào cuối năm nay. Giá dầu sẽ tương đối không thay đổi và áp lực nguồn cung giảm do có nhiều nguồn năng lượng thay thế. Còn về giá cả hàng hóa trên toàn cầu sẽ đi ngang.

Đặc biệt, lãi suất ngân hàng trung ương các nước trên toàn cầu sẽ giảm mạnh. Đây là những tín hiệu để kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh và duy trì sự bền vững của các doanh nghiệp trên thị trường, doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của mình. Và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cung ứng nền tảng chuyển đổi số tăng tốc phát triển”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục