Và người ta lại thắc mắc, đặc sản của thành phố là gì? Câu trả lời hẳn là trải dọc theo các con đường, đi xuyên qua các hẻm lớn, hẻm nhỏ… đâu đó trong lòng thành phố, luôn có những đặc sản riêng cho mình.
Khi nhịp sống ở thành phố dần sôi động trở lại, người hối hả ngoài đường vì công việc, người thong thả nhấp từng ngụm cà phê vỉa hè… Kẻ có tâm hồn ăn uống đủng đỉnh tìm lại những quán quen để đã thèm sau bao ngày giãn cách.
Dân sành ăn tiệm xưa hay rỉ tai câu “Ăn quận 5, nằm quận 3”, muốn ăn thì tìm về quận 5, nơi không thiếu món ngon để chiều lòng cả những thực khách khó tính. Quận 5 nổi tiếng với những khu phố người Hoa, ẩm thực cũng từ đó mà mang nét đa dạng, đặc trưng như: mì kéo sợi, sủi cảo, cơm người Hẹ, bánh tổ Phúc Kiến, dimsum…
Và sự đa dạng ẩm thực cũng phát triển theo nhịp giao thoa của văn hóa và đời sống xã hội. Ngoài khu ẩm thực ở quận 5, những con hẻm chuyên món Hàn, món Nhật như: hẻm 15B Lê Thánh Tôn, quận 1; đường Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh; phố ốc Khánh Hội, quận 4… để chiều lòng các “thượng đế” trẻ ưa ăn uống, chuộng mới lạ ngày càng nhiều.
Ở thành phố này, khái niệm phố ẩm thực chỉ đơn giản là nhiều người bán cùng một hay nhiều món ăn khác nhau trên một đoạn đường, con hẻm… lâu ngày, dài tháng, khách ăn quen gọi đó là phố ẩm thực.
Phố ẩm thực càng về đêm càng nhộn nhịp, thành phố không ngủ cũng là thế và ẩm thực về khuya cũng là một nét đặc sản ở đây. Và một đặc sản khác mà nếu không phải ở đây thì nơi khác cũng sẽ khó tìm, đặc sản được sinh ra từ việc cạnh tranh nhau trong kinh doanh.
Cũng là món bánh mì, tô phở hay hủ tiếu… nhưng người ta có thể thiên biến vạn hóa đủ cách chế biến, trình bày khác đi để tạo nét riêng thu hút khách hàng. Sự đa dạng sinh ra từ tính cạnh tranh và tạo thành đặc sản, mỗi tiệm một vẻ để chiều lòng khách, cũng món hủ tiếu nhưng hôm nay người ta lại thích ăn kèm bò viên, ngày mai lại thích ăn với tôm mực…
Bình dân hơn cả những quán ăn, phố ẩm thực là những xe, gánh hàng rong mà vị ngon phụ thuộc vào tay nghề người bán thì ít mà tâm trạng mỗi ngày thì nhiều. Hôm nào buôn bán thuận lợi, tâm trạng đầy phấn khởi thì túi bánh tráng trộn, dĩa gỏi đu đủ vị ngon cũng đậm đà hơn; đúng hôm bán ế thì dĩa gỏi chỗ đậm chỗ nhạt, vì tâm trạng đâu mà trộn đều tay cho được…
Ẩm thực vỉa hè không bàn ghế cầu kỳ, không gian không sang trọng, nó bình dân đến độ người ta ăn quen, ăn hoài mà quên đem theo ví tiền, cười trừ một cái thì người bán cũng vui vẻ mà chẳng nề hà.
Thật khó để đi tìm một câu trả lời duy nhất khi hỏi về đặc sản của thành phố, bởi mỗi con đường, hẻm nhỏ đều có riêng những hàng quán để làm nên thương hiệu cấp phường, cấp hẻm, có thâm niên hơn thì tiếng ngon vang cấp thành phố cũng không chừng… Và tùy theo khẩu vị của mỗi người, ai cũng sẽ có riêng cho mình một quán “đặc sản”.
Mỗi sớm mai, nơi đô thị nhộn nhịp này người ta thong thả uống ly cà phê vợt ở quán cóc bên đường hay lịch lãm cà phê máy lạnh pha kiểu Tây… rồi đủng đỉnh tìm cho mình ổ bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ, dĩa cơm tấm thơm lựng hay rảo vài vòng xuống phố, tìm một gánh hàng rong quen thuộc để đã thèm cái vị chua chua, giòn giòn của dĩa gỏi đu đủ, túi bánh tráng trộn…