“Quên” khai báo hải quan
Thông tin từ Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (thuộc Tổng cục Hải quan), đội này đang phối hợp cùng các cơ quan chuyên trách điều tra, xác minh vụ nhập khẩu 5 container thiết bị nhà bếp để khởi tố vụ án.
Lô hàng do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Kim Long (huyện Bình Chánh, TPHCM) đứng tên mở tờ khai hải quan. Trên tờ khai thể hiện hàng nhập khẩu gồm 2.500 chiếc chậu rửa dùng trong nhà bếp bằng thép không gỉ, không gồm vòi và van xả, hiệu Yutao (Trung Quốc), trị giá lô hàng là 500 triệu đồng.
Tuy vậy, qua kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan phát hiện số lượng hàng thực nhập hơn 6.000 chậu rửa bát đôi, “quên” khai báo hải quan 1.000 bộ vòi sen tắm. Trị giá lô hàng ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Số hàng nhập khẩu chỉ ghi Mark SUS304, không thể hiện nhãn hiệu hàng hóa, điều này sai so với quy định pháp luật.
Một cán bộ hải quan nhìn nhận, nếu không bị phát hiện, nhiều khả năng hàng hóa sẽ được dán mác xịn để lừa khách hàng. Thông tin tham khảo từ một số trang web chuyên kinh doanh mặt hàng chậu rửa inox các loại, một chậu rửa bát đôi gắn mác công nghệ châu Âu, Hàn Quốc (nhưng xuất xứ Trung Quốc) có giá 4 - 4,5 triệu đồng/chậu, khuyến mãi còn 1,5 - 1,9 triệu đồng/chậu.
Trước đó, vào đầu tháng 6, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam cũng đã phát hiện 2 xe tải chở hàng cấm từ Camphuchia qua biên giới Long An vào Việt Nam. Trên xe có 220 dàn nóng và 222 dàn lạnh (máy lạnh) đã qua sử dụng, cùng 185 kiện quần áo, giầy dép cũ.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của lô hàng, đồng thời khai nhận hàng hóa này sẽ được giao cho chủ hàng tại TPHCM. Hoặc một trường hợp khác, Công ty L.V. từ chối nhận hàng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn, với lý do hàng gửi nhầm, doanh nghiệp không ký hợp đồng mua hàng với đối tác. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận Công ty L.V. nhập hàng về cảng Cát Lái, đã quá thời hạn vẫn không đến làm thủ tục hải quan. Sau khi tiến hành soi chiếu các container có dấu hiệu nghi vấn, hải quan thành phố phát hiện hàng trăm chiếc xe đạp, dàn nóng và lạnh của máy lạnh… được nhập lậu, là hàng đã qua sử dụng. Vụ việc được chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Phối hợp xử lý, kiểm tra sau thông quan
Cách nay vài tuần, lực lượng chức năng phát hiện kho hàng lớn (trên địa bàn quận 6) với khá nhiều chủng loại hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, nhưng có những sản phẩm ghi xuất xứ Việt Nam. Hiện tại, vụ việc vẫn đang được làm rõ, chờ xử lý theo quy định. Trong số này, lỗi vi phạm phổ biến gồm hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không nhãn phụ tiếng Việt, tem nhãn quá hạn sử dụng.
Những mặt hàng bị niêm phong, tạm giữ gồm: máy xay sinh tố, máy sấy tóc, vợt bắt muỗi, bóng đèn sạc thương hiệu Meigee, Oket, Sikma… Chị Hoàng Thùy Ngọc Linh (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) chia sẻ, cách nay khoảng một tháng, chị đặt mua một máy sấy tóc mini Hair của một công ty ở Hà Nội, bán qua mạng Internet. Khi dùng máy kêu rất to, gây ù tai, có mùi khét và dễ đứt tóc, nên chị vứt luôn. “Nguyên giá 100.000 đồng, giảm còn 50.000 đồng/chiếc. Cộng cả phí giao hàng 20.000 đồng thì cũng chỉ có 70.000 đồng/chiếc. Rõ ràng đồ rẻ là đồ dở”, chị Linh kết luận.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp cả về quy mô và tính chất. Điển hình là các vụ việc vận chuyển hàng cấm, máy móc cũ mà cơ quan chuyên trách mới phát hiện gần đây.
Các đối tượng đã chuyển qua tổ chức buôn lậu, vận chuyển theo phương thức nhỏ lẻ, tinh vi hơn, tại các địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm, cảng biển, cảng hàng không quốc tế… Điều này ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa trong nước; gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội.
Một trong những chiêu trò thường dùng của các đối tượng buôn lậu là sử dụng địa chỉ giả gửi hàng, hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan; trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài… Để ứng phó với tình trạng trên, ông Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh, lực lượng Hải quan TPHCM đã và đang đẩy mạnh kiểm soát, phòng chống, đấu tranh chống gian lận thương mại; kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn như công an, biên phòng, quản lý thị trường, các đơn vị cảng biển, cảng hàng không…
Hiện nay, nhiều kho hàng lậu nằm ẩn trong các khu dân cư nội thành, chứ không chỉ nằm ở các huyện xa, khu vực giáp ranh. Chưa kể, trong hàng ngàn container tồn đọng tại các cảng của TPHCM, hải quan đã soi chiếu một số và phát hiện máy móc cũ, hàng phế liệu, hàng đã qua sử dụng… thuộc diện cấm nhập khẩu. Điều này đặt ra cho các cơ quan chuyên trách trách nhiệm quản lý, giám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm pháp luật.