Ngày 18-10, tại TPHCM, diễn ra Hội nghị Giao ban Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tỉnh, TP khu vực Nam bộ. Tại đây, nhiều ý kiến cho hay tình hình buôn lậu xăng, dầu trên biển vẫn “nóng”, nhất là thời điểm cuối năm.
Đại tá Nguyễn Đức Hiếu, Phó Tư lệnh Pháp luật Vùng Cảnh sát biển 3, cho biết hoạt động buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu khá nổi cộm, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Chẳng hạn như các đối tượng buôn lậu thường xuyên giao dịch, móc nối trực tiếp với đầu nậu vào đêm tối để cập mạn thuyền, giao hàng ngay trên biển; lợi dụng các giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu, tiến hành quay vòng hóa đơn; cải hoán tàu dịch vụ, hoặc tàu cá để chứa trữ xăng dầu… Trong khi đó, lực lượng cảnh sát biển khá mỏng, không thể “căng mình” kiểm soát, xử lý hết được.
Đối với địa bàn TPHCM, đầu năm nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, phá được vụ buôn lậu hàng triệu lít dầu, với số tiền thu lợi bất chính gần 100 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, các đối tượng thành lập doanh nghiệp, kinh doanh dầu theo hình thức tạm nhập, tái xuất được miễn thuế.
Theo đó, thay vì xuất bán dầu cho tàu viễn dương quá cảnh Việt Nam như quy định (không được phép tiêu thụ nội địa), các đối tượng đã móc nối với tàu viễn dương để mua lại một phần lô dầu giao cho tàu nhưng không qua khai báo hải quan, sau đó tuồn ngược vào tiêu thụ trong nước. Hiện vụ án vẫn tiếp tục được điều tra mở rộng.
Số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), từ đầu năm đến nay, các địa phương trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 39.000 vụ vị phạm, trong đó khởi tố 810 vụ); thu nộp ngân sách nhà nước trên 2.854 tỷ đồng.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho rằng buôn lậu, gian lận thương mại khá "nóng", nhất là thời điểm cuối năm. Đồng thời ông Ba đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan liên ngành (hải quan, công an...) nhằm đẩy lùi hàng giả, hàng nhập lậu...
Thông tin tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Nguyễn Thành Nam, cho hay hàng nhập lậu, kém chất lượng được bày bán khắp nơi, giao tận tay người mua thông qua các trang mạng xã hội. Để góp phần làm trong sạch thị trường, các lực lượng liên ngành cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp địa phương… "đánh bật" hàng nhập lậu, gian lận thương mại...
Bên cạnh đó, cần tiếp nhận và xử lý hiệu quả tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường dây nóng; chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị xác minh, xử lý thông tin đường dây nóng.
Ngoài ra, cần tham mưu phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Đặc biệt, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả