Đủ chiêu lừa người tiêu dùng mua sắm online

Nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong dịp cuối năm khiến nhiều đối tượng tung đủ chiêu lợi dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán online, sự bất cẩn của người bán, thậm chí lòng tin để lừa đảo. 

Lừa đảo qua dịch vụ “Ship Cod”

Gần đây nhất là vụ đối tượng Đào Thị Trang (trú tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo. Đào Thị Trang lập ra các tài khoản “Thực Phẩm Đông Lạnh XnK”, “Thu Thảo”, “Thảo đông lạnh”, thường xuyên đăng bán các loại thực phẩm đông lạnh với giá rất rẻ.

Thấy vậy, vào cuối tháng 8-2021, ông L.T.B. (trú tại tỉnh Khánh Hòa) đề nghị mua 5,4 tấn thịt trâu. Đến khi ông B. thuê xe tải đến huyện Mê Linh (Hà Nội) lấy hàng thì Trang yêu cầu ông B. chuyển hơn 500 triệu đồng. Nhận được tiền, Trang tắt máy, còn chủ kho hàng không cho xe chở hàng xuất phát. Đến lúc này, ông B. mới biết mình bị lừa…

Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần cảnh báo dạng lừa đảo qua dịch vụ “Ship Cod” để thu khoản chênh lệch giá. “Hình thức lừa đảo này thường rộ lên vào những dịp lễ, tết, mua sắm với số lượng nhiều và đối tượng mua hàng thường giới thiệu là người của công ty này, đơn vị nọ đi mua hàng cho công ty”, chị Huỳnh Thanh (chợ An Đông, quận 5, TPHCM) cho hay.

Theo đó, đối tượng giả làm khách mua thỏa thuận với người bán yêu cầu nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm thông qua dịch vụ “Ship Cod”. Khi thỏa thuận xong, người bán giao hàng cho đơn vị vận chuyển và nhận tiền ứng hàng (lớn hơn so với giá trị sản phẩm) và người bán chuyển khoản số tiền chênh lệnh lại cho người mua theo như thỏa thuận.

Cho đến khi đơn vận chuyển thông báo không tìm thấy người nhận ở địa chỉ nhận hàng, hoặc không có ai mang tên như trên phiếu giao hàng thì người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng vì không thể giao hàng. Với thủ đoạn này, người bán đã bị lừa mất số tiền chênh lệnh giá.

Còn hình thức lừa đảo khác là đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking. Người bán nhìn qua hình chụp trên điện thoại mờ mờ, không cẩn trọng xem xét kỹ, chuyển hàng cho khách.

Khi shipper lấy hàng đi, tài khoản ngân hàng của người bán chưa nhận được tiền nên gọi cho “khách hàng”, sẽ được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới. Cho đến khi phía giao hàng chuyển hàng xong thì cũng không thể liên lạc với “khách hàng”…

Đủ chiêu lừa người tiêu dùng mua sắm online ảnh 1 Ship Cod là hình thức kinh doanh tiện lợi và kẻ gian đang tìm cách khai thác để lừa gạt. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không mới, nhưng các đơn vị bảo mật vừa tiếp tục cảnh báo vì dịp gần tết lại rộ lên hiện tượng nhiều người nhận được tin nhắn mạo danh thương hiệu từ các ngân hàng thông báo biến động liên quan đến tài khoản của họ. Khi truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… Khi có thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng.

Không truy cập các đường link lạ

“Với kiểu lừa đảo liên quan đến mã OTP, tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết...”, đại diện công ty bảo mật Bkav cho biết.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng.

Các chuyên gia về an ninh mạng cũng cho rằng, số lượng người sử dụng các mạng xã hội ở nước ta rất lớn, là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chính vì thế, cần tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người quảng cáo bán hàng... Nên để bảo vệ mình, tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, email lạ, hoặc không rõ nguồn gốc.

Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác. Không nên tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại, hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

Chiếm dụng 400 tài khoản Facebook để lừa đảo 

Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ Phạm Vũ Quang Trường (20 tuổi, trú thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Trường khai nhận, trước đây nhận hỗ trợ dịch vụ Facebook như: quảng cáo bán hàng online, hỗ trợ tăng like… Sau thời gian hỗ trợ, Trường vào tài khoản của khách hàng rồi nhắn tin mượn tiền.

Với thủ đoạn trên, Trường đã chiếm dụng trên 400 tài khoản Facebook, lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Khám xét nơi ở của Trường, lực lượng công an thu giữ hơn 600 triệu đồng, 3 điện thoại di động, 3 máy tính, 9 thẻ ATM cùng nhiều tang vật.

MAI CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục