Với gần 10.000 đại biểu, trong đó 2.000 đại biểu tham dự trực tiếp (lớn gấp 4 lần năm ngoái) và gần 8.000 đại biểu theo dõi trực tuyến, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17-5 đã chứng tỏ sức thu hút mạnh mẽ của hoạt động này đối với toàn xã hội.
Đặc biệt, ngay khi hội nghị còn chưa kết thúc, Chỉ thị số 20 đã được người đứng đầu Chính phủ đặt bút ký ban hành, trong đó có những nội dung khiến cộng đồng doanh nghiệp “mát lòng” như không thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng trong quý 2-2017.
Ngay tại cuộc gặp gỡ này, nhiều kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp đã được các vị bộ trưởng, trưởng ngành quyết đáp kịp thời. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cam kết thời gian tới sẽ có những quy định “phân biệt ứng xử đối với những doanh nghiệp thân thiện, chấp hành tốt quy định về môi trường và ngược lại”, đồng thời quản lý chặt những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm cao...
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết đang nghiên cứu để sửa đổi những quy định bất cập trong kinh doanh khí, rượu, khoáng sản...; đồng thời tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích rành rọt, cụ thể các kiến nghị về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu; thuế xuất khẩu các mặt hàng xi măng, thép, tôn, dây điện; việc áp dụng thuế với máy móc nông nghiệp chuyên dùng…
Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng sôi nổi vào cuộc. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm giải đáp kiến nghị của doanh nhân Lê Hoàng Châu liên quan đến tình trạng “sốt” giá đất vùng ven, đồng thời nêu rõ các giải pháp cụ thể để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, phấn đấu đến năm 2020 TPHCM có 500.000 doanh nghiệp… Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thậm chí đã “kiến nghị hộ” doanh nghiệp về cổ phần hóa DNNN, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, hỗ trợ doanh nghiệp mua bán, chuyển giao các công nghệ mới.
Những động thái kịp thời này cho thấy việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động nhằm thúc đẩy và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp thực sự là quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị.
Nói như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, “việc giải thích đã đi đôi với giải quyết”. Không phải ngẫu nhiên mà kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 cho thấy, có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35 là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.
Nhìn từ một khía cạnh khác, môi trường kinh doanh lành mạnh cũng không thể được tạo lập chỉ bởi một chính phủ liêm chính, thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, kiên quyết phòng, chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Doanh nghiệp cũng cần nắm vững và nghiêm túc tuân thủ pháp luật, kiên trì xây dựng văn hóa doanh nhân và đạo đức doanh nghiệp; tìm hiểu và vận dụng chính xác các quy tắc, luật lệ quốc tế, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm chỗ đứng trong việc liên kết, sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ theo chuỗi giá trị thị trường…
Tất nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa quyết tâm với kết quả; vẫn còn rất nhiều điều chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân; Chính phủ và Thủ tướng còn tiếp tục phải ban hành thêm các nghị quyết và chỉ thị nữa, nhưng khép lại cuộc gặp gỡ sôi động tháng 5 này, một dự cảm ấm áp đã được nhiều người trong cuộc chia sẻ.