Sáng 21-12, tại TPHCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp cùng Quỹ dân số Liên hợp quốc tổ chức hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về dân số - phát triển”.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số tại một số địa phương; vấn đề sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính khi sinh, các vấn đề về dân số ở Việt Nam. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách trong bối cảnh chuyển trọng tâm công tác dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Toàn cảnh hội thảo |
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, quá trình già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,8% dân số, tương đương 12,6 triệu người vào 2021. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 20% vào năm 2036. Điều đó có nghĩa là quá trình chuyển đổi từ dân số “già hóa” sang dân số "già" sẽ xảy ra chỉ trong vòng 20 năm tới. Già hóa dân số không chỉ do tỷ lệ tử vong giảm và tuổi thọ được nâng cao mà phần lớn là do mức sinh giảm.
Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, một vấn đề vẫn chưa được chấm dứt trong nhiều năm qua. Điều này làm mất cân bằng giới tính khi sinh và Việt Nam đang nằm trong nhóm có tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/bé gái) ở mức cao nhất tại châu Á.
Các hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh là rất nghiêm trọng. Dự báo, đến năm 2034 Việt Nam sẽ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. "Dư thừa" nam giới đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều nam giới gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời, và có thể làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Bà Naomi Kitahara cho rằng, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trong 20 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng đối với khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Điều này cho thấy cần phải đầu tư hơn nữa để đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại cũng như cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng, đặc biệt là cho thanh thiếu niên Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong công tác dân số. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, chất lượng dân số được cải thiện; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh; tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đã giảm.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề dân số trong tình hình mới và cần có những động thái về chính sách phù hợp để điều chỉnh. Trong đó, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và luôn ở mức cao, từ 109,8 bé trai/100 bé gái năm 2006 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2021.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại hội thảo |
Bên cạnh đó, nước ta là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, chỉ số già hóa dân số tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019; việc tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn thấp…
Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới và giải quyết được những vấn đề dân số nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống, chính sách pháp luật về dân số cần tiếp tục được hoàn thiện.
Thông qua hội thảo này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội mong muốn các vị đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố cùng chung tay với ngành dân số, ngành y tế trong hoạt động hoạch định chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số để công tác dân số đạt được kết quả tốt trong thời gian tới.