Dự báo sớm để ứng phó các vụ kiện có thể xảy ra với hàng Việt Nam xuất khẩu

Số vụ kiện phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu với hàng hóa của Việt Nam ngày càng "nhân rộng" ra nhiều quốc gia, cần tăng cường cảnh báo sớm để các doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó. 

Thông tin này được nêu ra tại cuộc tọa đàm về cảnh báo sớm đối với phòng vệ thương mại, giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, Bộ Công thương tổ chức ngày 6-11 tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2017 (thời điểm xu hướng bảo hộ và phòng vệ trên thế giới tăng lên) đến nay khoảng 6 năm, thì số lượng các vụ phòng vệ thương mại tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, số lượng vụ phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà chúng ta đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Trong đó, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà chúng ta bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà chúng ta đã phải đối diện từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Thu Trang cũng cho biết, hiện nay, số mặt hàng bị “soi” cũng đang ngày càng có xu hướng gia tăng, với gần 40 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại, trong đó có những mặt hàng mà chúng ta chỉ mới xúc tiến và kim ngạch cũng không quá lớn.

Thêm nữa, các vụ kiện chỉ xuất hiện ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm, nhưng đến nay, có cả những thị trường mới cũng có số vụ phòng vệ thương mại chiếm tỷ lệ rất lớn.

Trong tổng số 235 vụ việc tính đến thời điểm hiện tại thì thị trường Hoa Kỳ chiếm 23%, Ấn Độ 14%, Thổ Nhĩ Kỳ 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia. Đến nay, đã có tổng số 24 thị trường đã từng kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, sau khi có Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã nâng cấp hệ thống cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Hệ thống này hiện đang theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, như Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ…

Tham gia tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thông tin, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN. Điều này thể hiện, Việt Nam luôn là đối tác quan trọng, bền vững của Hoa Kỳ. “Tuy nhiên, đi kèm theo đó thì cũng có những rủi ro về phòng vệ thương mại”, ông Hưng lưu ý.

Theo thống kê, tỷ lệ các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam chiếm khoảng 53% tổng số các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó các nguy cơ phòng vệ thương mại cũng ngày càng lớn hơn.

“Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ ý thức rất rõ về quyền lợi cũng như các công cụ của mình khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt, gây ra tổn hại đối với sản xuất trong nước. Do vậy, các vụ việc ngày càng tăng trong thời gian vừa qua”, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết.

Thực tế, ngoài Bộ Thương mại Hoa Kỳ thì các cơ quan khác như Ủy ban Thương mại quốc tế, cơ quan hải quan hoặc biên phòng Hoa Kỳ đều có thể điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của hệ thống cảnh báo sớm vì cung cấp thêm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để ứng phó khi xảy ra vụ kiện. Trên thực tế, khi bị kiện, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực con người, thời gian và cả tài chính để tham gia trong suốt quá trình điều tra vụ việc, thông thường khoảng 12 tháng.

Hệ thống cảnh báo sớm của cơ quan quản lý Nhà nước giúp cung cấp thêm thời gian cho doanh nghiệp để cung cấp, sắp xếp hồ sơ, giấy tờ, nhất là sổ sách kế toán, giấy tờ xuất nhập khẩu làm tài liệu kiểm chứng cho cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nếu bị kiện. Việc này sẽ tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp ứng phó.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thông tin thêm, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào các ngành hàng có nguy cơ cao bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; hướng dẫn kỹ hơn cho doanh nghiệp về quá trình ứng phó, đồng thời sẽ mở rộng hoạt động cảnh báo sớm đến các thị trường mới như Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ… bên cạnh các thị trường chủ lực như Kỳ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ…

Tin cùng chuyên mục