Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, những ngày đầu tháng 11-2018, tại nhà máy nước Cầu Đỏ, độ mặn duy trì từ 250 đến 1.000 mg/l, có thời điểm cao hơn 4.000 mg/l. Trong khi đó, nhu cầu nước của toàn TP Đà Nẵng là 270.000m³/ngày đêm.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Hương cũng kiến nghị có cơ chế khi nhiễm mặn cho phép Dawaco chỉ cần gọi điện thoại trực tiếp cho các nhà máy thủy điện để yêu cầu xả nước, không cần chờ văn bản của TP Đà Nẵng vì mất thời gian. Các nhà máy thủy điện cũng nên luân phiên xả nước về hạ du, tránh tình trạng có hồ xả, hồ không xả gây ra bất cập.
Cũng theo ông Bình, mực nước về hồ Đắk Mi 4 về mùa này chỉ bằng khoảng 26% so với trung bình các năm trước.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương cho rằng, theo quan sát từ năm 1977 đến nay thì lượng nước về năm nay thấp nhất. Trong các tháng sắp tới với hiện tượng El Nino dự báo xảy ra sớm, dòng chảy giảm mạnh. "Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn cầu Đỏ chúng tôi đã tăng cường nước về hạ du nhưng không đủ đáp ứng. Từ đầu tháng 11 đến nay dù chúng tôi xả nước không nhiều nhưng tình hình cũng đã được cải thiện. Nguy lớn hơn và rõ ràng hơn có lẽ sẽ rơi vào mùa cạn 2019. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có văn bản để có phương án tích nước sớm tại hồ A Vương.” - ông Thế cho biết.
Cũng theo ông Ngô Xuân Thế, theo quy trình vận hành liên hồ thì từ hôm nay (15-11), thủy điện A Vương được tích nước nhưng tình hình hiện nay nếu không có văn bản của các cấp có thẩm quyền thì A Vương tại một số thời điểm vẫn phải thực hiện lệnh điều độ của hệ thống điện. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước để điều tiết trong mùa khô sắp tới sẽ rất gay gắt và căng thẳng. Có khả năng nhiều thời điểm không thể thực hiện đồng thời việc cấp nước cho hạ du lẫn an ninh năng lượng điện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung cho biết, vì nước về quá ít nên từ ngày 16-10 đến 14-11, nhà máy thủy điện Sông Bung 4 đã tách khỏi thị trường, ngừng phát điện. Hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 hiện nay có được 64 triệu m³. Nếu hiện nay vẫn phát điện cùng lúc xả nước thì khả năng thiếu nước năm 2019 trầm trọng hơn. Vì vậy, nếu muốn vừa xả nước về hạ du vừa phát điện trong tình trạng nước về ít như hiện nay thì phải có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền mới làm được.
Ông Vũ Văn Lân, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh cho biết, lưu lượng về hồ thủy điện Sông Tranh 2 tháng 10-2018 là 70m³/s, bằng 27% trung bình nhiều năm. Tháng 11-2018, lưu lượng về còn 43,5m³/s, bằng 10% trung bình nhiều năm. Đây là năm lượng nước về thấp kỷ lục sau 45 năm. Hiện tại mực nước tại thủy điện Sông Tranh 2 là 140,84m, cao hơn mực nước chết 0,84m. Theo tính toán nếu lưu lượng về hồ đạt 50% trung bình nhiều năm thì khả năng đến 26-12 thì mực nước hồ mới lên được cao trình 170m.
Từ những số liệu trên, ông Vũ Văn Lân dự báo, với lưu vực Thu Bồn như hiện nay thì năm 2019, Hội An, Duy Xuyên sẽ nhiễm mặn rất nặng. “Chúng tôi báo cáo xin ý kiến Quảng Nam lập kế hoạch điều tiết cho năm 2019, đặc biệt phục vụ tưới tiêu khu vực hạ du. Với tình trạng này chúng tôi phải tiết kiệm nước tối đa để vụ Đông Xuân 2019 có nước để đổ ải, chứ nguy cơ vụ Đông Xuân sắp tới mất trắng.” - ông Lân cho biết.
Tại buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), nhận định tổng lượng mưa tháng 9, tháng 10-2018 thấp hơn từ 30% đến 70% trung bình nhiều năm. Lượng nước của mùa lũ năm nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 70% đến 80%.
Liên quan đến việc thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng trong thời gian qua, trả lời câu hỏi của ông Vĩnh về việc "nước tại đập dâng An Trạch có đủ không?”, ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco khẳng định, khi thủy điện xả nước, mực nước về An Trạch trên 1,6m là đủ nhưng công suất đường ống từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước Sân Bay chỉ 210.000m³/ngày đêm nên không thể cung cấp đủ cho 2 nhà máy Sân Bay và Cầu Đỏ. Theo ông Hương, đường ống chưa được cải tạo từ 2007 đến nay, vì vậy, khi vận hành rất lo vỡ đường ống nếu cố vượt qua mức 210.000m³/ngày đêm. Vì vậy, giải pháp tạm thời, theo ông Hồ Hương là nâng cấp trạm bơm tại An Trạch, triển khai thêm đường ống nước thô từ An Trạch về hai nhà máy Sân Bay và Cầu Đỏ. Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Về vấn đề này, ông Châu Trần Vĩnh cho rằng, Dawaco phải xác định là phải bơm nước từ An Trạch là thường xuyên. "Trong thời gian qua có đột biến về độ mặn, chúng tôi không bình luận việc này nhưng đề nghị Dawaco sớm có giải pháp để xử lý. Dự báo chín tháng đầu năm 2019, hạn hán rất nặng nề. Đề nghị Dawaco và các thủy điện có thông tin kịp thời với nhau, đảm bảo làm sao tiết kiệm nước, cố gắng tích trữ nước tối đa cho năm 2019. Giải pháp tốt nhất hiện tại vẫn là nâng cao khả năng lấy nước từ đập dâng An Trạch. Không có giải pháp tích nước hợp lý thì nguy cơ các hồ tại miền Trung thiếu nước năm 2019 rất cao. Chúng tôi sẽ có báo cáo sau cuộc làm việc hôm nay cho Bộ trưởng TN&MT để có những chỉ đạo tiếp theo” - ông Vĩnh cho biết. |