Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 1 sáng nay 17-7 |
Sáng nay 17-7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó cơn bão số 1, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì.
Thông tin tại cuộc họp này, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết sáng nay 17-7, bão số 1 có cường độ cuối cấp 11, đầu cấp 12, còn cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) 310km về phía Đông Đông Nam.
Ông Mai Văn Khiêm báo cáo tình hình cơn bão đang giật cấp 15 trên Biển Đông |
Các đài dự báo trong nước và quốc tế có chung nhận định, từ sáng đến chiều 17-7, bão sẽ di chuyển về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó lướt dọc phía Bắc vịnh Bắc bộ về khu vực giữa Đông Bắc bộ và Quảng Tây (Trung Quốc). Đài Nhật Bản dự báo vùng hoàn lưu kéo dài từ đồng bằng Bắc bộ lên Quảng Ninh của Việt Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Còn Đài dự báo Hoa Kỳ nhận định vùng ảnh hưởng từ Hải Phòng của Việt Nam lên Quảng Tây (Trung Quốc).
Theo ông Khiêm, Tổng cục Khí tượng - thủy văn nhận định, từ giờ đến chiều 17-7, bão duy trì cường độ 11-12, sau khi vượt qua bán đảo Lôi Châu, sẽ giảm 1-2 cấp, hướng về khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh (xác suất 80%), nhưng do hoàn lưu rộng nên ảnh hưởng tới cả Thanh Hóa, Nghệ An.
Quang cảnh cuộc họp ứng phó bão số 1 của Ban Chỉ đạo quốc gia |
Dự báo các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình sẽ có gió mạnh cấp 9-10, sâu trong đất liền là cấp 7-8, giật cấp 10. “Khoảng trưa đến chiều mai 18-7, tâm bão vào đất liền” - ông Khiêm nói. Tuy nhiên, từ chiều nay 17-7, đất liền Bắc bộ bắt đầu có dông, lốc hoặc gió giật mạnh. Sáng mai 18-7, các khu vực xa hơn (như tỉnh Điện Biên) cũng có thể xuất hiện dông lốc.
Bão rất nguy hiểm, có thể gây mưa 500mm, gió giật, dông lốc và sạt lở, lũ quét vì nhiều khu vực thời gian qua nắng hạn lâu ngày. Tại Quảng Ninh đã xác định có khoảng 166 vị trí có thể lũ quét, sạt lở đất; Lạng Sơn có 114 vị trí; Cao Bằng có 54 vị trí; Bắc Kạn có 307 vị trí, Yên Bái 305 vị trí… “Thông tin cảnh báo sẽ cập nhật 6 tiếng đồng hồ một lần, nhưng rất khó cảnh báo chính xác thời điểm nào, vị trí cụ thể nào”, ông Khiêm phân trần với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
“Những khu vực sẽ chịu tác động của mưa lớn, gió mạnh ngày mai 18-7 là các khu du lịch tại Hải Phòng, Quảng Ninh, các khu khai thác than - hầm lò ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, sân bay Cát Bi, sân bay Vân Đồn…”, Giám đốc cơ quan khí tượng của Việt Nam nhận định.
Vị trí bão số 1 lúc 7 giờ sáng nay 17-7 |
Với nhận định bão số 1 nguy hiểm, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai báo cáo, các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người (Quảng Ninh 700 người, Hải Phòng 8.691 người, Thái Bình 19.021 người, Nam Định 1.128 người, Ninh Bình 347 người).
Đồng thời trưa nay 17-7, các địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… sẽ cấm biển để đảm bảo không để tàu thuyền ra khơi vào chỗ nguy hiểm.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo kế hoạch ứng phó bão |
Chủ trì và kết luận cuộc họp triển khai nhiệm vụ ứng phó bão, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cơn bão số 1 - Talim là cơn bão khởi động của mùa mưa bão năm nay.
Qua báo cáo cho thấy, ban chỉ đạo và các địa phương đã và đang chuẩn bị tốt công tác ứng phó. “Đồng thời cho thấy các đồng chí có kinh nghiệm ứng phó bão. Nhưng, vì có kinh nghiệm nên khiến chúng tôi cảm thấy lo ngại, vì có thể dẫn tới việc mất cảnh giác, chủ quan”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.
Về các giải pháp triển khai ứng phó cơn bão số 1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các đơn vị và địa phương thực hiện nghiêm túc công điện ngày 16-7 của Thủ tướng Chính phủ, coi đó là kim chỉ nam để ứng phó bão. Đồng thời cần lưu ý 4 yêu cầu: không chủ quan, lơ là; phải chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt (trong cung cấp thông tin và ứng xử từng tình huống cụ thể; chuẩn bị chu đáo nhất có thể. “Mục tiêu của chúng ta là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.