Dự báo kinh tế châu Âu năm 2025

Với những biến động chính trị, một số dữ liệu kinh tế yếu kém và cảnh báo về tăng trưởng không như ý, châu Âu đã có một năm khó khăn. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra một số điểm sáng đáng chú ý vào năm 2025.

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế ở châu Âu không được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống còn 1,1%.

Các nhà hoạch định chính sách tại ECB đã công bố đợt cắt giảm lãi suất thứ tư và cũng là đợt cắt giảm cuối cùng trong năm. Thị trường đang đoán định một đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa khi Hội đồng quản trị ECB đưa ra quyết định chính sách đầu tiên của năm 2025. Giới đầu tư nhận định lãi suất chủ chốt của ECB có thể giảm từ mức 3% hiện tại xuống 2% vào giữa năm 2025, với các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo dự kiến vào cuối năm. Thậm chí, trong một lưu ý gửi đến khách hàng vào cuối tháng 11 vừa qua, các nhà phân tích tại Bank of America (Mỹ) đã tuyên bố năm 2025, lãi suất chính sách (của ECB) giảm xuống dưới 2%.

w8d-5716.jpg
Tòa nhà Ngân hàng Trung ương châu Âu bên cạnh các container ở cảng Frankfurt (Đức). Ảnh: WVNSTV

Bên cạnh chính sách cắt giảm lãi suất, người tiêu dùng thận trọng là một trong nhiều trở ngại mà châu Âu phải đối mặt. Trong một ước tính nhanh vào tháng 11, Ủy ban châu Âu (EC) phát hiện ra rằng niềm tin của người tiêu dùng đã giảm 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước tại khu vực đồng EUR. Tuy nhiên, theo ông Sylvain Broyer, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tại công ty xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings của Mỹ, những thay đổi về chính sách tiền tệ ở châu Âu có thể giúp cải thiện lòng tin của người tiêu dùng.

Lo ngại thuế quan

Lời đe dọa áp thuế từ 10%-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã dấy lên e ngại khắp châu Âu và đặt ra câu hỏi về cách khu vực này có thể phản ứng.

Trong báo cáo European Road Ahead của Ngân hàng Citi của Mỹ, mức thuế quan 10% có thể làm giảm 0,3% GDP của EU vào năm 2026, trong khi cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tăng gấp đôi thiệt hại ở các quốc gia dễ bị tổn thương như Đức. Theo các nhà phân tích, thuế quan có thể được chính quyền Mỹ sắp tới sử dụng như một con bài mặc cả, trong khi khả năng trả đũa tương tự là không thể xảy ra. Điều này sẽ khiến đây trở thành cú sốc giảm phát, sự phân mảnh toàn cầu sẽ gây tổn hại cho châu Âu vốn phụ thuộc vào thương mại về lâu dài.

Trong khi đó, châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình hình bất ổn chính trị ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Pháp và Đức. Cựu Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã bị thay thế vào đầu tháng này, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã vừa thua trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mở đường cho cuộc bầu cử vào đầu năm sau. Tuy nhiên, theo ông Maximilian Uleer, người đứng đầu bộ phận Chiến lược tài sản chéo và cổ phiếu châu Âu tại Deutsche Bank của Đức, tình hình chính trị bất ổn ở Đức thực tế có thể tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế đang suy yếu của nước này. Đức nổi tiếng với sự ổn định chính trị - chỉ có hai trường hợp liên minh tan rã trong lịch sử gần đây. Cả hai lần, khi phải đối mặt với suy thoái, Đức đều có các cải cách mạnh mẽ…

Sau tất cả, ông Chris Watling, CEO và chiến lược gia thị trường chính tại Công ty tư vấn tài chính Longview Economics có trụ sở tại London (Anh), nhận định: “Châu Âu sẽ có một thời kỳ tốt đẹp, nhưng có thể không diễn ra trong thời gian dài”.

Tin cùng chuyên mục