Dự báo đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH chưa sát với những thay đổi chính sách

Cơ quan thẩm tra lưu ý, chi phí quản lý BHXH các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỷ lệ theo quy định nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến. Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật BHXH 2014.
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra
 Chiều 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng bảo hiểm xã hội năm 2017 tại phiên họp của UBTVQH. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý giai đoạn 2016 – 2018, Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh: Việc bố trí chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm tai nạn (BHTN) giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện đúng các quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành BHXH và các cơ quan có liên quan  thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn; việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN bảo đảm đúng, đủ và kịp thời; đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ.

Đáng lưu ý, công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách đạt được nhiều kết quả đột phá, đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

“Cơ quan BHXH Việt Nam đã thăng hạng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung về dịch vụ công của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; góp phần tăng thứ hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam”, bà Thúy Anh cho biết.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, chi phí quản lý BHXH các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỷ lệ theo quy định nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến. Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật BHXH 2014.
Bên cạnh đó, việc giao dự toán chi phí quản lý theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN nhưng không xác định tỷ trọng của từng nội dung chi chưa tạo động lực khuyến khích tiết kiệm chi thường xuyên cho hoạt động quản lý bộ máy để tăng chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; chưa phải là giải pháp tài chính hữu hiệu xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN còn đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và ở mức cao…
“Trong bối cảnh đó, đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát để hạn chế việc chuyển nguồn kết dư chi phí quản lý BHXH hàng năm để đảm bảo kỷ luật tài chính; đôn đốc  và có giải pháp thu hồi các khoản đầu tư kém hiệu quả”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhận định.

Về mức chi phí quản lý BHXH, BHYT và BHTN giai đoạn 2019 – 2021, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy BHXH tinh gọn, hiệu quả; tích cực hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm. Trong trường hợp việc thực hiện thu, chi quỹ BHXH, BHTN trong năm không đạt dự toán, thì phải cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm kinh phí tương ứng, bảo đảm chi phí quản lý BHXH, BHTN không vượt quá mức trích tính trên số thực thu, chi.

Về mức chi tiền lương cho công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Trường hợp Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới theo lộ trình cải cách tiền lương thì thực hiện theo chế độ tiền lương mới.

 

Tin cùng chuyên mục