Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Nhiều tín hiệu tích cực để triển khai

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để chuẩn bị báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, phương án vốn cho dự án cũng đã có những tín hiệu tích cực.

Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Nhiều tín hiệu tích cực để triển khai

Đã đến lúc đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, Bộ GTVT đang hoàn thiện đề án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đa số ý kiến đã thống nhất phương án đầu tư với tốc độ thiết kế 350km/h, chủ yếu khai thác tàu khách và sẽ khai thác tàu hàng khi cần thiết.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ được nâng cấp để vận tải hàng hóa. Kịch bản này hướng tới sự phát triển mạnh mẽ nhu cầu vận tải hành khách trên tuyến. Trước mắt, vận tải hàng hóa vẫn chủ yếu sử dụng tuyến đường sắt hiện hữu, trường hợp xuất hiện nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt tốc độ cao mới xem xét khai thác tàu hàng khác khung giờ với tàu khách. Dự kiến, tàu hàng sẽ được khai thác vào ban đêm với tần suất 4 đêm/tuần, còn lại 3 đêm/tuần để bảo trì kết cấu hạ tầng. Tổng kinh phí đầu tư theo kịch bản này khoảng 67,34 tỷ USD.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, kịch bản này xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tiếp thu một số ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước.

Về thời điểm đầu tư, theo một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đã đạt khoảng 4.284 USD (cao hơn so với Nhật Bản, Trung Quốc hay Uzbekistan tại thời điểm các nước này bắt đầu đầu tư đường sắt tốc độ cao) và ước đạt khoảng 7.500 USD/người vào năm 2030. Như vậy, khi hoàn thành đưa vào khai thác, phần lớn người dân có khả năng chi trả cho dịch vụ đường sắt tốc độ cao với mức phí thích hợp.

Về lộ trình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Chu Văn Tuân cho biết, phấn đấu trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong năm 2024. Nếu đủ điều kiện, dự án sẽ thực hiện đầu tư toàn tuyến để giảm chi phí, tăng hiệu quả, dự kiến khởi công trước năm 2030, đưa vào khai thác trước năm 2040 (rút ngắn 5 năm so với Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị). Còn trường hợp nguồn lực hạn chế, lộ trình sẽ là thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến, ưu tiên đầu tư 2 đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM với tổng chiều dài khoảng 642km, tổng mức đầu tư dự kiến 29,88 tỷ USD, đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2035. Sau đó, tiếp tục đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang với chiều dài khoảng 899km, tổng mức đầu tư dự kiến 37,46 tỷ USD, đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2040.

Thông tin từ Bộ GTVT, hiện nhiều quốc gia đang quan tâm đến đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong đó, Hàn Quốc có lợi thế về ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao. Hiện Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giao thông.

Đối với Trung Quốc, các doanh nghiệp đường sắt lại có nhiều kinh nghiệm, công nghệ phát triển đường sắt tốc độ cao, có thể hợp tác thông qua cơ chế hỗ trợ như vay vốn ODA, tín dụng xuất khẩu.

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc cho biết sẽ dành 5 tỷ USD lãi suất ưu đãi cho Việt Nam vay phát triển hạ tầng đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nhật Bản cũng có lợi thế về vốn và kỹ thuật. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang đề nghị được cung cấp thông tin chi tiết, tài liệu dự án.

Khả thi trong thu xếp vốn

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng và phương tiện nhằm khai thác ngay trong giai đoạn đầu, tránh rủi ro không huy động được doanh nghiệp đầu tư phương tiện. Cụ thể, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn vay ODA có điều kiện vay tốt...) của Trung ương và địa phương.

Trong đó, ngân sách Trung ương sẽ bố trí theo các kỳ trung hạn; vốn vay ODA cấp phát để mua sắm vật tư, thiết bị trong nước không sản xuất được, cho doanh nghiệp vay lại để mua sắm phương tiện, đào tạo vận hành bảo trì, thiết bị công nghệ trong khu Depot (doanh nghiệp trả nợ khoản vay này); vốn trái phiếu chính phủ và vốn khác sẽ được huy động khi ngân sách Trung ương chưa kịp cân đối; ngân sách địa phương dự kiến để giải phóng mặt bằng.

N5a.jpg
Tuyến đường sắt hiện hữu di chuyển song song trục đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo phân tích của đơn vị tư vấn dự án, đánh giá sơ bộ về khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2026-2030, việc thu xếp vốn cho dự án là khả thi. Tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần (năm 2020 là 55,9% GDP, năm 2023 là 37%) nên tác động của dự án đến nền kinh tế hoặc nợ công được bảo đảm an toàn trong mức trần nợ công được Quốc hội cho phép (60%). Nhằm huy động vốn doanh nghiệp, đề án nghiên cứu cũng đề xuất cho phép hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn (bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất...) để mua sắm đầu máy, toa xe khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao. Kênh huy động vốn khác được đề xuất là hình thức phát triển đô thị gắn kết với giao thông (TOD). Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao hình thành sẽ tạo nguồn tài chính từ khai thác quỹ đất, với tỷ lệ dự kiến địa phương giữ lại 50%, nộp về ngân sách Trung ương 50%. Dự kiến phương án huy động nguồn vốn TOD theo tính toán sơ bộ của liên danh tư vấn là khoảng 10 tỷ USD.

Như vậy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực để triển khai. Vấn đề còn lại là hiệu quả của dự án cần được Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan tính toán kỹ thêm trước khi thực hiện.

Chuẩn bị để đầu tư hoàn thiện mạng lưới

Để chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam triển khai thuận lợi khi được các cấp có thẩm quyền thông qua, mới đây, Bộ GTVT và TP Hà Nội đã thống nhất quy hoạch mạng lưới đường sắt trên địa bàn Hà Nội, trong đó, ga Ngọc Hồi là tổ hợp ga đầu mối quốc gia. Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, dự thảo quy hoạch xây dựng chi tiết ga Ngọc Hồi đang được hoàn thiện, trở thành ga đường sắt lớn nhất miền Bắc với 251ha.

Với TPHCM, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đang hoàn thiện quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TPHCM, trong đó ga Thủ Thiêm là ga cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, rộng 17,2ha, là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác. Các ga An Bình, Bình Triệu, Trảng Bom, Tân Kiên được quy hoạch mở rộng, lớn nhất là ga An Bình hơn 64ha. Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, với mô hình phát triển đô thị theo kiểu đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh, TPHCM cần chọn loại hình đầu mối đường sắt theo kiểu “bán vành khuyên, có tuyến xuyên tâm”. Cụ thể, vận tải hàng hóa sẽ tiếp cận theo hướng vành đai, vận tải hành khách tiếp cận theo hướng đi vào trung tâm và xuyên qua trung tâm.

Đặc biệt, để khai thác hiệu quả tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hướng tới mục tiêu giảm chi phí vận tải, mạng lưới đường sắt phía Nam đã được quy hoạch với nhiều tuyến đường sắt được nâng cấp và xây mới. Cụ thể, đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam khu vực TPHCM sẽ được cải tạo, nâng cấp, trong đó xây mới tuyến tránh TP Biên Hòa về phía Nam và đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt trên cao, chiều dài khoảng 41km. Tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ (định hướng kéo dài đến Cà Mau) được xây dựng mới, kết nối với đường sắt Bắc - Nam tại ga An Bình, chiều dài khoảng 174km. Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng mới, trung chuyển hàng với đường sắt Bắc - Nam tại ga Trảng Bom mới, kết nối với đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng tại ga Biên Hòa mới, chiều dài khoảng 107km. Tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh nối Campuchia (đường sắt Xuyên Á) được xây mới, kết nối với đường sắt Bắc - Nam tại ga Dĩ An, chiều dài khoảng 128km. Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được xây mới phục vụ vận tải khách khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục