Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương: Bàn giao gần 70% mặt bằng
SGGPO
Chiều 22-5, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cùng đại diện các sở ban ngành, quận huyện đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM về tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến Metro Bến Thành - Tham Lương.
Tại buổi làm việc, tóm tắt tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, hiện Ban đang tập trung điều phối 4 nhóm giải pháp chính như công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án; di dời hạ tầng kỹ thuật bàn giao mặt bằng để triển khai dự án; công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; công tác thu xếp tài chính cho dự án.
Theo Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường, tinh thần chung triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước để tránh tình trạng như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vướng mặt bằng thi công.
Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường báo cáo công tác thực hiện dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, tiến độ cụ thể dự kiến đến ngày 30-6, trên địa bàn quận 1 có thể cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường, bàn giao 60% - 70% mặt bằng. Quận 10 cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường và bàn giao trước các trường hợp đất công. Quận 12 đã hoàn thành chi trả bồi thường và đã bàn giao mặt bằng. Quận Tân Bình có 2 ga đã bàn giao mặt bằng ga là S10 và S11, các ga còn lại đạt khoảng 50% việc giải phóng mặt bằng. Quận Tân Phú cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường và bàn giao 50% mặt bằng. Quận 3 hoàn thành phương án bồi thường mới và nhận bàn giao 33%.
Về nguồn vốn cho công tác chi trả bồi thường, hiện nay có 2 nhóm, đối với nhóm vốn cho tổng mức đầu tư 6 dự án bồi thường trong năm nay đã được ghi vốn đợt 1, tổng cộng 6 quận, huyện là 2.385 tỷ đồng. Hiện các quận đảm bảo nguồn chi.
Tuy nhiên, hiện nay với số tăng thêm cho 6 dự án khoảng 500 tỷ đồng nên cần bố trí đủ số tiền này để các quận đảm bảo có nguồn chi cho người dân. 4.353 tỷ đồng là số tiền cần chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án. Như vậy, đến nay cần bổ sung 2.000 tỷ đồng để chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Liên quan tái định cư không vướng, khung chính sách toàn dự án không có vấn đề, có một số số liệu cần cập nhật thường xuyên về bồi thường giải phóng mặt bằng. Về công tác cấp phép xây dựng trong hành lang tuyến đường sắt đô thị, hiện nay đã dự thảo văn bản báo cáo UBND TP và vừa rồi rà soát lại theo Nghi định 56 cơ bản ranh mốc phạm vi của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đã có.
Tuy nhiên, vấn đề đang vướng hiện nay là cơ quan có thẩm quyền không nói rõ là ai? Khi người dân gửi hồ sơ xin phép xây dựng phải có ý kiến của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP?!. Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện nay để đồng bộ với nhóm 1 sẽ có chuyên đề di dời hạ tầng kỹ thuật. Sau khi làm việc với các đơn vị quản lý hạ tầng, trong đó có các đơn vị lớn như điện, nước, cáp quang, cây xanh…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Khâu giải phóng mặt bằng có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định cho tuyến này có tiếp tục triển khai trong thời gian tới hay không? Điều quan trọng, khi có mặt bằng sạch, chúng ta mới dễ dàng thuyết phục các đơn vị tài trợ tái cấp vốn cho dự án này. Dự án bị chậm rất nhiều. Mặc dù, thời gian qua, các quận huyện, sở ngành đã nỗ lực rất nhiều so với thời gian trước đây mới có được kết quả như hôm nay. Tuy nhiên, thời hạn cam kết ngày 30-6 cơ bản hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Và điều quan trọng hơn là cũng chưa biết chừng nào kết thúc vì còn quá nhiều khó khăn. Hiện tại, chưa có quận, huyện nào dám cam kết mốc thời gian bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Theo đồng chí Trần Lưu Quang, qua đây, chúng ta cần thống nhất một số việc cần thực hiện đồng bộ, hoàn tất bàn giao mặt bằng, trước khi triển khai xây dựng các hạng mục chính của dự án. Tránh kiểu làm như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, nghĩa là thực hiện song song vừa giải phóng mặt bằng, vừa triển khai thi công các gói thầu dẫn đến nhiều hệ lụy. Tuyến số 2 phấn đấu bàn giao đất sạch sớm nhất có thể. Nguyên tắc trong đền bù là làm sao vận dụng các quy định pháp luật để người dân được hưởng lợi nhất có thể nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật.
Về vốn, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng, thống nhất phương án điều chỉnh vốn trung hạng để có nguồn ngân sách bổ sung dự án này. Nếu trong trường hợp khó khăn về thủ tục, đề xuất báo cáo ngay UBND TP tạm ứng nguồn nào đó để kịp công tác chi trả trong thời sớm nhất. Trong khi chưa kịp trình HĐND để điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn trung hạn thì tìm nguồn nào đó bù vào. Về việc hướng dẫn UBND các quận cấp phép xây dựng trong hành lang an toàn trong tuyến đường sắt, cần chú ý xây như thế nào để không ảnh hưởng đến đời sống người dân và tuyến đường sắt.
"Vì vậy, lãnh đạo các sở, ngành cũng như Ban chỉ đạo rà soát lại các kiến nghị của các quận, huyện, tổng hợp để sớm trình lên UBND TP. Làm sao để có sự điều phối nhịp nhàng giữa các sở, ngành, các đơn vị; Có cơ chế đặc biệt giữa các hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, nước, viễn thông… Khó đâu, gỡ ngay đó!", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
UBND TP giao Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với UBND quận 3 và các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND TP giải quyết khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của quận.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP nội dung phản hồi ý kiến của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP về đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 để khẩn trương thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.
Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở Ngoại vụ xem xét, sớm có ý kiến về việc hủy một phần khoản vay 2 của Ngân hàng ADB theo đề nghị của Sở KH-ĐT để sở này tổng hợp, trình UBND TP.